Dấu hiệu viêm não do virus thủy đậu
Dấu hiệu viêm não do virus thủy đậu
Người nhiễm virus thủy đậu khi có các triệu chứng như sốt, đau đầu, rối loạn ý thức, nôn, co giật, cần đi khám sớm, điều trị tránh biến chứng.
Bác sĩ Nguyễn Lê Phương Hồng, Đơn vị Nhiễm, Khoa Nội Tổng Hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết viêm não do virus thủy đậu là một biến chứng thần kinh ít gặp nhưng nghiêm trọng. Bệnh liên quan đến virus varicella zoster là tác nhân gây thủy đậu trong lần nhiễm đầu và bệnh zona khi virus tái hoạt động. Viêm não do virus thủy đậu ảnh hưởng chủ yếu đến người lớn và trẻ sơ sinh. Bệnh gây viêm ở nhu mô não, rối loạn chức năng thần kinh trung ương.
Triệu chứng viêm não do virus diễn tiến nhanh chóng, người bệnh có thể thay đổi ý thức sau 7 ngày, kể từ khi nhiễm virus, theo bác sĩ Hồng.
Sốt: Người bệnh có thể sốt nhẹ hoặc cao, từ 38 độ C đến 40 độ C, tuy nhiên không phải lúc nào cũng xuất hiện triệu chứng lạnh run.
Đau đầu: Người bệnh đau đầu dữ dội và đột ngột không kèm sốt có thể do các bệnh lý mạch máu não như xuất huyết dưới nhện, cần can thiệp y tế ngay lập tức. Cơn đau do viêm não virus có đặc điểm chính là đau đầu lan tỏa, liên tục, không thể xác định điểm đau cụ thể.
Rối loạn ý thức: Các biểu hiện đa dạng từ lú lẫn, nói sảng, lơ mơ đến hôn mê. Viêm não cũng có thể biểu hiện tương tự các bệnh nhiễm trùng thần kinh trung ương khác (viêm màng não mủ, lao màng não).
Ngoài các triệu chứng trên, bệnh nhân có thể xuất hiện co giật, nôn ói hoặc yếu liệt chi. Bác sĩ chẩn đoán viêm não do virus thủy đậu cần đánh giá lâm sàng kết hợp các xét nghiệm. Phát hiện DNA của virus thủy đậu trong dịch não tủy (CSF) là phương pháp quan trọng để xác định bệnh.
Các kỹ thuật hình ảnh như chụp cộng hưởng từ (MRI), điện não đồ (EEG) có thể giúp phát hiện các bất thường trong hoạt động và cấu trúc não. Bác sĩ Hồng cho biết trường hợp viêm não do nhiễm trùng cấp tính, khoảng 90% bệnh nhân sẽ có kết quả bất thường trên MRI.
Trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm, bệnh nhân được điều trị kháng virus qua đường truyền tĩnh mạch. Quá trình điều trị thường kéo dài 10-14 ngày tùy vào mức độ đáp ứng của bệnh nhân và có thể cần các biện pháp hỗ trợ triệu chứng như giảm đau, hạ sốt, bù nước.
Người bệnh viêm não virus có thể khỏi bệnh hoàn toàn. Một số trường hợp có thể gặp gặp hậu quả thần kinh lâu dài, bao gồm suy giảm nhận thức, khiếm khuyết vận động và co giật, dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm, can thiệp y tế kịp thời.
Để phòng tránh loại virus nghiêm trọng này, người bệnh cần tiêm vaccine phòng bệnh thủy đậu và zona thần kinh. Tránh tiếp xúc với người đang nhiễm bệnh giúp ngăn ngừa lây truyền.