Dấu hiệu trẻ thiếu DHA
Trẻ không nhận đủ DHA trong chế độ dinh dưỡng thường chậm phát triển trí tuệ, rối loạn hành vi, giảm thị lực, hệ miễn dịch suy yếu, da khô, rụng tóc.
DHA (Docosahexaenoic axit) là axit béo không bão hòa đa thuộc nhóm omega-3, có thể hòa tan trong chất béo tự nhiên. DHA chiếm khoảng 20% thành phần cấu trúc màng tế bào trong hệ thần kinh trung ương, 60% võng mạc mắt của con người.
Bác sĩ Trần Thị Trà Phương, khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết bổ sung đủ DHA giúp trẻ phát triển trí não, thị giác. Chế độ dinh dưỡng không đủ DHA có thể dẫn tới nhiều nguy cơ đối với sức khỏe.
Trẻ chậm biết nói hoặc phát triển ngôn ngữ, tập trung kém
DHA kích thích độ nhạy của các neuron thần kinh, giúp dẫn truyền thông tin nhanh, chính xác, hỗ trợ quá trình myelin hóa các tổ chức thần kinh và biến đổi ở vỏ não.
Thiếu hụt DHA dẫn đến giảm hiệu quả truyền tín hiệu trong não bộ, trí não trẻ chậm phát triển, giảm tư duy logic, chỉ số thông minh (IQ) thấp. Khả năng phát triển ngôn ngữ, tập trung, ghi nhớ, học hỏi chậm hơn so với các bạn đồng trang lứa. Điều này có thể khiến bé không hứng thú hoặc gặp khó khăn trong giao tiếp, tương tác với môi trường xung quanh, phối hợp vận động kém, chậm phát triển các kỹ năng xã hội.
Thị lực kém
DHA là thành phần cấu tạo nên võng mạc mắt. Bổ sung axit béo này giúp hoàn thiện chức năng thụ cảm ánh sáng, phát triển thần kinh thị giác. Trẻ gặp khó khăn trong việc nhận diện hình ảnh, nhất là trong điều kiện ánh sáng yếu khi thiếu DHA.
Thường xuyên ốm vặt
Trẻ thiếu DHA có sức đề kháng kém, dễ mắc bệnh cảm cúm, viêm nhiễm. Bổ sung đủ dưỡng chất giúp bé tăng khả năng miễn dịch, giảm nguy cơ hình thành phản ứng dị ứng do DHA hỗ trợ lưu thông máu, cải thiện chức năng nội mô tốt. Hoạt tính ức chế phản ứng miễn dịch nhờ kiểm soát các cytokine tiền viêm, giảm căng thẳng oxy hóa, tăng kết dính của bạch cầu đơn nhân với các tế bào nội mô... giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng.
Theo bác sĩ Phương, DHA góp phần giảm tỷ lệ nhiễm trùng đường hô hấp, các biểu hiện dị ứng gây thở khò khè ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Dễ cáu gắt
DHA hỗ trợ serotonin - chất dẫn truyền thần kinh giúp cân bằng tâm trạng. Tác dụng chống viêm của chất béo omega-3 này trên tế bào thần kinh cũng giảm nguy cơ mắc chứng trầm cảm. Do đó, trẻ thiếu DHA thường dễ cáu gắt, lo âu, khó chịu. Những khó khăn trong nhận thức, giao tiếp, kỹ năng xã hội do thiếu DHA cũng có thể khiến trẻ bị rối loạn hành vi, dễ nổi nóng, khó kiểm soát cảm xúc.
Ngủ không sâu giấc
DHA tác động đến tiết hormone melatonin có tác dụng điều hòa giấc ngủ tại tuyến tùng. Hàm lượng DHA tiêu thụ ít khiến trẻ khó ngủ, dễ thức giấc giữa đêm.
Da khô, tóc yếu
Cơ thể không có đủ DHA làm ảnh hưởng tính toàn vẹn của hàng rào bảo vệ da, khiến da mất độ ẩm, dễ kích ứng, dẫn đến khô da, cản trở quá trình sản xuất protein keratin cấu tạo nên tóc. Lúc này tóc trẻ thường mọc thưa, dễ gãy rụng, da khô hoặc bong tróc.
Tiêu hóa kém
Khó tiêu, chán ăn... có thể xảy ra ở trẻ nếu không bổ sung đủ DHA trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày. Thiếu hụt chất béo lành mạnh làm cản trở tiêu hóa, hấp thụ các dưỡng chất.
Vấn đề về tim mạch
Huyết áp của trẻ thiếu hụt dưỡng chất này có thể không ổn định, tuần hoàn máu kém. Trẻ cũng có nguy cơ tăng nguy cơ xơ vữa động mạch do tăng cholesterol toàn phần, triglyceride máu và LDL-cholesterol (cholesterol xấu).
Theo bác sĩ Trà Phương, bổ sung DHA trong ít nhất ba năm đầu đời mang lại lợi ích lâu dài cho sự phát triển của trẻ. Do giai đoạn này, tốc độ phát triển não bộ của trẻ đạt hiệu suất cao nhất về khả năng tư duy ngôn ngữ, mức độ nhận thức, sự nhạy bén của giác quan.
Ngay khi còn là bào thai, trẻ cần được cung cấp một lượng DHA lớn để đáp ứng với sự tăng trưởng. Phụ nữ mang thai nên bổ sung 200-300 mg DHA mỗi ngày trước khi sinh. Sau sinh, liều dùng có thể là 200-400 mg mỗi ngày để đảm bảo cung cấp đủ DHA cho trẻ qua sữa mẹ. Trung bình 100 ml sữa mẹ chứa khoảng 16 mg DHA. Hàm lượng này vừa đủ để trẻ tiêu thụ trong ít nhất một năm đầu đời. Với trẻ đã bắt đầu ăn dặm, phụ huynh nên cân nhắc sử dụng thực phẩm giàu DHA vào ngay trong bữa ăn. Dưỡng chất này thường trong cá, trứng, sữa, các loại hạt có dầu.
Nếu trẻ có dấu hiệu thiếu DHA, cha mẹ nên đưa bé đi khám để được tư vấn, có giải pháp bổ sung phù hợp bằng các sản phẩm chuyên biệt. Tránh bổ sung DHA tùy tiện gây dư thừa, nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe.