Dấu hiệu rối loạn ăn uống
Người bệnh rối loạn ăn uống vô độ thường có dấu hiệu tăng cân nhanh, béo phì, ăn rất nhiều nhưng không cảm thấy no.
Rối loạn ăn uống vô độ là tình trạng ăn uống mất kiểm soát, thường xuyên thèm ăn, không thể ngừng ăn hoặc ăn nhiều hơn bình thường. Người mắc chứng rối loạn này thường trải qua giai đoạn cố gắng hạn chế hoặc cắt giảm ăn uống, song lại làm tăng cảm giác thèm ăn và khiến tình trạng phức tạp hơn. Rối loạn ăn uống vô độ có thể thay đổi theo thời gian, xảy ra thời gian ngắn, rồi tự khỏi hoặc kéo dài trong nhiều năm nếu không được điều trị.
Triệu chứng
Béo phì, thừa cân là dấu hiệu điển hình nhất song không phải tất cả người thừa cân đều mắc chứng rối loạn ăn uống vô độ. Rối loạn ăn uống vô độ thường bao gồm thừa cân, béo phì đi kèm với triệu chứng như không thể kiểm soát được hành vi ăn, ăn khẩu phần lớn hơn bình thường. Người bệnh có thể ăn ngay cả khi no hoặc không đói, tốc độ ăn rất nhanh. Mỗi lần họ thường nạp thức ăn cho đến khi cảm thấy no tức bụng mới dừng lại.
Người mắc hội chứng này thường xuyên cảm thấy chán nản, ghê tởm, xấu hổ, tội lỗi hoặc buồn bã sau khi ăn. Họ còn cảm giác tự ti về hình thể, mặc cảm với bản thân; có xu hướng ăn một mình và lén lút, tìm mọi lý do để ăn dù vui, buồn hay bận rộn.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây ra chứng rối loạn ăn uống vô độ vẫn chưa được biết rõ, nhưng có một số yếu tố liên quan như:
Gene: Một người có thể bị rối loạn ăn uống hơn nếu cha mẹ hoặc anh chị em từng mắc chứng này.
Ăn kiêng: Một số người bệnh có tiền sử ăn kiêng bởi ăn kiêng hoặc hạn chế lượng calo trong ngày có thể gây ra cơn thèm ăn dữ dội.
Các tình trạng sức khỏe tâm thần: Nhiều người mắc chứng rối loạn ăn uống vô độ có những cảm xúc tiêu cực về bản thân. Các tác nhân khác có thể bao gồm căng thẳng, có vấn đề tâm lý, một số loại thực phẩm nhất định.
Biến chứng
Người bệnh không cảm thấy thoải mái hoặc không thể tận hưởng cuộc sống; ảnh hưởng đến chất lượng công việc, mối quan hệ xã hội. Họ có thể cô lập hoặc cảm thấy bị cô lập xã hội.
Rối loạn ăn uống vô độ kéo dài khiến người bệnh thừa cân, béo phì, làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về khớp, bệnh tim, tiểu đường type 2, trào ngược dạ dày thực quản, dinh dưỡng kém và một số rối loạn hô hấp liên quan đến giấc ngủ. Các vấn đề sức khỏe tâm thần thường liên quan đến rối loạn ăn uống vô độ bao gồm trầm cảm, lo lắng, sử dụng chất kích thích, tự tử. Người bệnh cần điều trị tâm lý, có chế độ ăn uống khoa học thay vì kiêng khem quá mức.