Dấu hiệu mắc chứng ngưng thở khi ngủ
Chứng ngưng thở khi ngủ khiến người bệnh ngáy to, thở hổn hển, mệt mỏi vào sáng hôm sau, có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và đời sống nói chung.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, ngủ không đủ giấc có thể gây ra nhiều bệnh mạn tính như tiểu đường tuýp 2, bệnh tim mạch, béo phì và trầm cảm. Cơ quan cũng cảnh báo hơn 30% người Mỹ trưởng thành ngủ ít hơn thời lượng khuyến nghị.
Ngưng thở khi ngủ nằm trong nhóm triệu chứng ngăn cản giấc ngủ liên tục, lành mạnh ở người trưởng thành. Tiến sĩ Melissa Lipford, nhà thần kinh học tại Mayo Clinic, cho biết ngưng thở khi ngủ là "chứng rối loạn phổ biến, trong đó hơi thở bị gián đoạn nhiều lần khi đang ngủ". Hiệp hội Y khoa Mỹ ước tính khoảng 30 triệu người bị ngưng thở khi ngủ, nhưng chỉ có 6 triệu người được chẩn đoán chính thức.
Ngưng thở khi ngủ được chia thành nhiều loại, gồm ngưng thở khi ngủ trung ương, ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn và ngưng thở khi ngủ phức hợp. Tiến sĩ Lipford cho biết chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn là phổ biến nhất. Điều này xảy ra do các cơ ở phía sau cổ họng thả lỏng, chặn toàn bộ hoặc một phần luồng thông khí vào phổi. Sau đó, não sẽ cảm nhận được tình trạng thiếu oxy, đánh thức người đó để mở lại đường thở.
Những lần thức giấc thường ngắn đến mức mọi người không nhớ, nhưng xảy ra nhiều lần trong đêm và có thể ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng giấc ngủ, thậm chí có thể dẫn đến những hậu quả sức khỏe nghiêm trọng khác.
"Việc thức giấc nhiều lần vào ban đêm có thể dẫn đến buồn ngủ ban ngày, kém tập trung và tăng nguy cơ gây tai nạn khi lái xe. Ngoài ra, chứng ngưng thở khi ngủ không được điều trị dẫn đến huyết áp cao, đau tim, đột quỵ và các vấn đề về trí nhớ", Lipford cho biết.
Các dấu hiệu mắc chứng ngưng thở khi ngủ bao gồm ngáy to (do đường thở bị chặn), thở hổn hển khi ngủ, mệt mỏi dù vẫn ngủ cả đêm.
Dù không thể chữa khỏi hoàn toàn chứng ngưng thở khi ngủ, bác sĩ vẫn có thể điều trị để giảm thiểu nguy hại cho cơ thể. Các chuyên gia khuyến nghị nếu triệu chứng ảnh hưởng đến quá trình làm việc, sinh hoạt của ngày hôm sau, mọi người nên tham khảo ý kiến bác sĩ.
"Trong quá trình khám sức khỏe, không phải lúc nào bác sĩ cũng đặt câu hỏi về giấc ngủ. Vì vậy, bạn có thể chủ động chia sẻ những nỗi lo liên quan đến vấn đề này", tiến sĩ Lipford nói. Sau đó, bác sĩ sẽ đề xuất kiểm tra, đo lường mức độ vấn đề, tần suất triệu chứng xuất hiện.
Sau khi chẩn đoán, bác sĩ sẽ giúp bạn lập kế hoạch điều trị phù hợp với nhu cầu.
Thục Linh (Theo USA Today)