Dấu hiệu cảnh báo viêm cột sống dính khớp
Đau cứng vùng lưng, thắt lưng, viêm gân, sưng ngón tay và ngón chân có thể cảnh báo viêm cột sống dính khớp, cần khám và điều trị sớm.
Viêm cột sống dính khớp là bệnh viêm hệ thống mạn tính, đặc trưng bởi thương tổn ở khớp cùng chậu, cột sống, các khớp ở chi và điểm bám gân. Bệnh thường xuất hiện từ rất sớm nhưng tiến triển chậm. Nếu không được phát hiện và kiểm soát tốt, theo thời gian, bệnh có thể làm dính cứng khớp và đốt sống dẫn đến tàn phế, nứt gãy xương; gây ra các biến chứng tổn thương mắt, tim...
ThS.BS.CKI Trần Thị Thanh Tú, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết triệu chứng sớm nhất và đặc trưng của viêm khớp dạng thấp là đau vùng lưng, thắt lưng, có thể kèm theo cứng cột sống vào buổi sáng. Đau lưng do viêm cột sống dính khớp thường âm ỉ và tăng dần theo thời gian, kéo dài ít nhất 3 tháng; có thể khởi phát rất sớm, thường trong độ tuổi 17-45. Cơn đau không giảm khi nghỉ ngơi nhưng cải thiện khi người bệnh vận động nhẹ.
Trong một số trường hợp, người bệnh có thể cảm thấy các triệu chứng khác như đau ở một hoặc cả hai bên mông, đau và sưng nóng kèm tràn dịch do viêm khớp ngoại vi, chủ yếu là những khớp đối xứng hai bên như khớp háng và khớp gối.
Bệnh không chỉ ảnh hưởng đến hệ cơ xương khớp, mà còn tác động đến các cơ quan khác như viêm điểm bám gân (cân gan chân và gân gót), đau cứng cổ, khó xoay đầu. Người bệnh có thể ngủ không ngon giấc, thường tỉnh dậy vào khoảng nửa đêm gần sáng, mệt mỏi, sốt nhẹ, sụt cân, sưng ngón tay và ngón chân, viêm kết mạc, xuất hiện các triệu chứng tiêu hóa (tiêu chảy, đau bụng, xuất huyết...), biểu hiện bệnh tim mạch, phổi, vảy nến.
Bác sĩ Tú cho biết viêm cột sống dính khớp là bệnh viêm khớp tự miễn, chưa tìm được nguyên nhân chính xác nên không thể phòng ngừa hay chữa khỏi hoàn toàn. Các phương pháp điều trị chỉ có tác dụng làm giảm triệu chứng, cải thiện khả năng vận động, ngăn bệnh phát triển, hạn chế nguy cơ tàn phế và phát sinh biến chứng.
Tùy mức độ nghiêm trọng của bệnh, bác sĩ có thể chỉ định điều trị bảo tồn hoặc phẫu thuật. Đối với điều trị bảo tồn, bác sĩ có thể chỉ định riêng lẻ hoặc kết hợp giữa vận động đều đặn và dùng thuốc. Chế độ tập luyện phù hợp không chỉ giúp giảm đau cứng mà còn hỗ trợ duy trì tính linh hoạt của khớp và cột sống, nâng cao sức khỏe tinh thần của người bệnh. Một số môn thể thao thích hợp như yoga, bơi lội, đạp xe, đi bộ... Các thuốc có thể được kê toa như thuốc giảm đau, kháng viêm, thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm.
Phẫu thuật là phương pháp cuối cùng, được chỉ định khi điều trị nội khoa không hiệu quả, cấu trúc cột sống hoặc khớp háng tổn thương nghiêm trọng, nhất là gãy đốt sống cấp tính...
Để làm dịu triệu chứng, người bệnh có thể chườm nóng hoặc chườm lạnh, xoa bóp, châm cứu, sinh hoạt đúng tư thế, xây dựng chế độ ăn uống khoa học... Người bệnh cần đến bác sĩ khám nếu triệu chứng trầm trọng hơn hoặc phát hiện các bất thường khác.