Đau bụng từng cơn cảnh báo nguy cơ ung thư
Phú ThọHơn một tháng nay, người đàn ông 68 tuổi, liên tục đau quặn bụng, đi ngoài ra máu, kiểm tra phát hiện ung thư trực tràng.
Ngày 30/12, các bác sĩ Khoa ung bướu - Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, cho biết kết quả kiểm tra phát hiện khối u trực tràng, sinh thiết chẩn đoán ung thư. Bác sĩ chỉ định cắt đoạn đại trực tràng, vét hạch nối ngay.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân ăn uống bình thường, sức khỏe ổn định, tiếp tục theo dõi tại Khoa Ung bướu và chăm sóc giảm nhẹ.
Ung thư tiêu hóa chia thành hai nhóm: đường tiêu hóa trên (thực quản, dạ dày) và đường tiêu hóa dưới (ruột non, ruột già, đại tràng, trực tràng, tuyến tụy, đường mật, gan). Các dấu hiệu thường gặp là đầy hơi, khó tiêu, nuốt khó, đau bụng, thiếu máu và đại tiện ra phân đen...
Đối với ung thư đại tràng, dấu hiệu thường gặp là đau nhói hậu môn kèm có máu trong phân, đặc biệt là đau quặn bụng và đầy hơi khi ăn, đau kéo dài. Tình trạng này có thể khiến người bệnh ăn ít hơn, từ đó giảm cân.
Tuy nhiên, đau bụng cũng có thể do nhiều nguyên nhân khác. Do đó, ngay khi có các triệu chứng đau bụng kéo dài hơn một tuần không rõ nguyên nhân, người bệnh cần đến ngay bệnh viện thăm khám và làm các xét nghiệm, siêu âm, nội soi... chẩn đoán nếu bác sĩ nghi ngờ ung thư.
Ung thư đại trực tràng là một trong những ung thư đường tiêu hóa hay gặp trên thế giới và Việt Nam, tăng nhanh qua từng năm. Dự báo đến năm 2025, ung thư đại trực tràng thường gặp thứ hai ở nam giới và thứ 4 ở nữ giới. Nếu được phát hiện giai đoạn sớm có thể cắt qua nội soi hoặc phẫu thuật cắt bỏ khối u. Ở giai đoạn sớm, tỷ lệ bệnh nhân sống sau 5 năm lên tới 85-90%.
Bác sĩ khuyến cáo đối với người bình thường, thời điểm nội soi tầm soát bắt đầu từ 45 đến 50 tuổi. Người có tiền sử gia đình bị đa polyp có yếu tố di truyền cần nội soi sàng lọc sớm từ 12 đến 20 tuổi. Trường hợp không phát hiện polyp đại tràng có thể nội soi định kỳ 3-5 năm. Bệnh nhân phát hiện polyp cần nội soi cắt và kiểm tra định kỳ từ 6 đến 12 tháng.