Đái tháo nhạt trung ương
Đái tháo nhạt trung ương có triệu chứng đặc trưng là khát và tiểu nhiều, dễ nhầm lẫn với một số bệnh nội tiết như đái tháo đường.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi thạc sĩ, bác sĩ Trần Đình Mạnh Long, Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.
Cơ thể của người mắc bệnh đái tháo nhạt trung ương không thể sản xuất đủ hormone chống bài niệu là ADH hoặc vasopressin. ADH được sản xuất ở vùng dưới đồi, tuyến yên là nơi dự trữ và giải phóng ADH vào máu.
Hormone ADH giúp thận cân bằng lượng nước xuất và nhập của cơ thể. Khi cơ thể thiếu ADH hoàn toàn hoặc một phần, người bệnh bài xuất một lượng nước tiểu rất lớn, phải đi tiểu nhiều lần trong ngày, đồng thời có cảm giác khát nước rất nhiều, uống nước liên tục. Người bệnh không uống đủ nước có nguy cơ mất nước cao.
Triệu chứng
Các triệu chứng chính của đái tháo nhạt trung ương gồm:
Cảm thấy rất khát nước và phải uống nước thường xuyên.
Thường xuyên muốn đi tiểu, tiểu nhiều lần, tiểu đêm.
Tổng lượng nước tiểu mỗi ngày thường nhiều. Lượng nước tiểu trung bình một ngày của người bình thường khoảng 1-3 lít, nhưng với người bệnh đái tháo nhạt trung ương có thể đến 10-20 lít.
Nước tiểu trong hoặc rất nhạt màu.
Ngoài các triệu chứng trên, trẻ em mắc bệnh đái tháo nhạt trung ương thường có biểu hiện:
Khó chịu.
Quấy khóc.
Lừ đừ.
Táo bón.
Sốt.
Người bệnh đái tháo nhạt trung ương không được điều trị hoặc không uống đủ nước dễ gây mất nước, kèm theo các triệu chứng nặng hơn như:
Hoa mắt.
Chóng mặt hoặc cảm giác đầu lâng lâng.
Mệt mỏi.
Khô miệng.
Khô môi và mắt.
Khó tập trung.
Buồn nôn, nôn ói.
Choáng váng và ngất xỉu.
Điều trị
Đái tháo nhạt trung ương ít gặp. Người bệnh khi cảm thấy khát nước nhiều, đi tiểu nhiều hoặc hoạt động cơ thể không bình thường cần đến bác sĩ chuyên khoa Nội tiết - Đái tháo đường khám sớm.
Tùy thuộc vào lượng nước tiểu, mức độ nặng của triệu chứng và tình trạng bệnh ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà phương pháp điều trị đái tháo nhạt khác nhau.
Ngoài điều trị bằng thuốc, người bệnh cần uống nước đầy đủ để đảm bảo không bị mất nước.
Người bệnh đái tháo nhạt trung ương cần được theo dõi và điều trị đúng cách bởi các bác sĩ chuyên khoa Nội tiết - Đái tháo đường. Khi sức khỏe ổn, người bệnh có thể điều trị tại nhà nhưng cần tái khám định kỳ để đảm bảo hiệu quả.