Cứu bé trai mắc bệnh tim nặng bằng kỹ thuật mới
Hà NộiVan động mạch phổi của bé trai 12 tuổi bị hở nặng, gây suy tim, các bác sĩ tìm cách mổ qua đường tĩnh mạch cổ - kỹ thuật lần đầu thực hiện ở Việt Nam, cứu sống trẻ.
Bệnh nhi được chẩn đoán mắc tim bẩm sinh, còn gọi tứ chứng Fallot từ 3 tháng tuổi, gồm 4 đặc điểm: thông liên thất lớn, tắc nghẽn đường ra thất phải, hẹp van xung động, phì đại thất phải và động mạch chủ đè lên. Triệu chứng bao gồm tím tái, khó thở, tăng trưởng kém, nguy cơ tử vong cao do cơn tím đột ngột.
Trẻ đã trải qua 3 lần phẫu thuật: lần đầu tại Bệnh viện Việt Đức, lần thứ hai tại Bệnh viện Tim Hà Nội để sửa toàn bộ dị tật, và lần thứ ba vào năm 2018 để sửa hẹp nhánh trái động mạch phổi. Gần đây, trẻ xuất hiện mệt mỏi, khó thở, được chẩn đoán hở nặng van động mạch phổi, gây suy tim, cần can thiệp để ngăn bệnh tiến triển.
Ngày 25/12, TS.BS Nguyễn Công Hà, Phó khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Tim Hà Nội, cho biết phương pháp thay van động mạch phổi truyền thống là phẫu thuật tim hở, nhưng với bệnh nhi đã phẫu thuật 3 lần, nguy cơ biến chứng rất cao. Do đó, các bác sĩ quyết định áp dụng kỹ thuật thay van động mạch phổi qua ống thông - một phương pháp ít xâm lấn, giúp bệnh nhân phục hồi nhanh.
Tuy nhiên, do các tĩnh mạch đùi của bệnh nhi đã bị tắc sau các lần phẫu thuật trước, các bác sĩ phải thực hiện can thiệp qua đường tĩnh mạch cổ – lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam. Ca can thiệp được thực hiện dưới sự hỗ trợ của TS.BS Đỗ Nguyên Tín, Trưởng Đơn vị can thiệp tim mạch, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM.
Kỹ thuật này phức tạp hơn do đường tĩnh mạch cổ vòng vèo, khó đưa dụng cụ vào vị trí van động mạch phổi. Sau hơn 3 giờ, ca can thiệp thành công. Hai ngày sau, bệnh nhi đã đi lại nhẹ nhàng và dự kiến xuất viện trong vài ngày tới.
ThS.BS Nguyễn Quốc Hùng, Phụ trách khoa Nội nhi, cho biết ưu điểm của can thiệp thay van động mạch phổi qua da là bệnh nhân không đau, thời gian nằm viện ngắn và đặc biệt là không để lại vết sẹo dài như phẫu thuật kinh điển. Phương pháp này được chỉ định cho bệnh nhân bị hở van động mạch phổi sau khi phẫu thuật tứ chứng Fallot 4 hoặc hở van động mạch phổi nặng (đã làm can thiệp nong van, hở phổi sau thông thắt teo van).
Với bệnh nhi trên, sau xuất viện trẻ sẽ phải khám định kỳ một tháng một lần, sau đó có thể là 3 tháng, 6 tháng hoặc một năm.