'Covid-19 trở lại phản ánh sự biến động bình thường của virus'
Làn sóng dịch Covid hiện nay được cho là phản ánh quy luật lên xuống thông thường của virus, giống như các bệnh đường hô hấp đặc hữu khác.
Nhận định được bác sĩ Zhao Lei, Trưởng Khoa truyền nhiễm tại Bệnh viện Liên hợp Vũ Hán, Trung Quốc, nói hồi giữa tháng 5. Quan điểm này cũng nhận được sự đồng tình của nhiều nhà khoa học, khi họ cho rằng thế giới đã và đang bước vào giai đoạn sống chung với virus, Covid được coi là bệnh truyền nhiễm theo mùa, tương tự cúm. Đây là điểm khác biệt so với các đợt dịch từ năm 2022 trở về trước.
Tiến sĩ Cai Weiping, chuyên gia trưởng tại Bệnh viện Nhân dân số 8 Quảng Châu, cho rằng mức tăng này phản ánh hiện tượng giảm kháng thể sau gần một năm không có làn sóng lây nhiễm lớn. Ông Cai cũng đề cập nhiều người chưa tiêm vaccine ngừa Covid-19 trong một thời gian góp phần khiến miễn dịch cộng đồng suy yếu.
"Đây là điều hoàn toàn bình thường", ông nhận định.
Mức độ nghiêm trọng giảm đáng kể
Tại Mỹ, quốc gia từng là tâm điểm của đại dịch, dữ liệu cho thấy sự cải thiện rõ rệt. Năm 2020, nước này ghi nhận hơn 520 ca nhập viện do Covid-19 trên 100.000 người, gần 370.000 ca tử vong. Đến tháng 2/2025, tỷ lệ nhập viện giảm xuống còn 2,9 trên 100.000 dân. Đây là mức thấp đáng kể so với các giai đoạn trước của đại dịch. Số ca mắc mới vẫn xuất hiện rải rác, nhưng chủ yếu triệu chứng nhẹ, không cần nhập viện. Các cơ sở y tế không còn quá tải, hoạt động kinh tế xã hội đã được nối lại hoàn toàn.
Tiến sĩ Davidson Hamer, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học Boston, nhận định virus SARS-CoV-2 vẫn còn khả năng đột biến, nhưng tác động của nó đã "trong tầm kiểm soát".
"Chúng ta vẫn cần cảnh giác, đặc biệt với nhóm người cao tuổi và có bệnh nền. Nhưng nhờ tiêm chủng và miễn dịch tự nhiên, phần đông dân số giờ đây đã có khả năng đề kháng đáng kể với các biến thể mới", ông nói.
Thực tế tại các quốc gia châu Á cũng cho thấy xu hướng tương tự. Tại Việt Nam, từ đầu năm đến tháng 5/2025 chỉ ghi nhận khoảng 150 ca mắc Covid-19 tại 27 tỉnh thành, không có ca tử vong. Các trường hợp được phát hiện chủ yếu qua sàng lọc ngẫu nhiên và có triệu chứng nhẹ. Tại Ấn Độ, tính đến giữa tháng 5, chỉ có khoảng 250 ca đang điều trị, phần lớn không cần nhập viện.
Biến thể mới ít gây bệnh nặng hơn
Một trong những lý do khiến Covid-19 bớt nguy hiểm là các biến thể mới có xu hướng gây triệu chứng nhẹ. LP.8.1, JN.1, XBB.1.16 hay XEC có khả năng lây lan cao nhưng không làm tăng tỷ lệ tử vong hoặc nhập viện. Đây là điểm khác biệt rõ rệt so với các dòng nguy hiểm trước đó như Delta.
Tại Singapore, số ca mắc Covid-19 tăng 28% trong tuần đầu tháng 5/2025, với hơn 14.000 ca, song phần lớn triệu chứng nhẹ và không gây quá tải cho hệ thống y tế. Bộ Y tế nước này xác nhận các biến thể phụ như LF.7 và NB.1.8 đang lưu hành, đều thuộc nhóm Omicron nhưng không làm thay đổi đáng kể tình hình dịch.
Từ đầu năm đến giữa tháng 5, Thái Lan ghi nhận hơn 71.000 ca mắc và 19 ca tử vong. Tuần cao điểm nhất, từ 11/5 đến 17/5, quốc gia báo cáo hơn 33.000 ca, chủ yếu do biến thể XEC. Tuy nhiên, giới chức y tế cho biết hầu hết người bệnh không cần nhập viện, số ca tử vong ở mức thấp so với các đợt dịch trước.
Tại Hong Kong, nơi từng quá tải hệ thống y tế trong làn sóng Omicron năm 2022, số ca tăng từ 33 lên hơn 1.000 ca mỗi tuần trong tháng 5 năm nay nhưng không gây áp lực nghiêm trọng. Điều này cho thấy, dù virus tiếp tục biến đổi, mức độ gây bệnh của nó đã giảm đáng kể nhờ miễn dịch cộng đồng và sự tiến hóa theo hướng ít độc lực hơn.
Khuyến cáo và biện pháp phòng ngừa
Các chuyên gia y tế nhấn mạnh rằng dù tình hình đã bớt nghiêm trọng, Covid-19 vẫn cần được kiểm soát chủ động, đặc biệt trong nhóm người cao tuổi, người có bệnh nền hoặc suy giảm miễn dịch. WHO khuyến nghị tiêm vaccine nhắc lại sau mỗi 12 tháng cho các đối tượng nguy cơ cao, nhằm duy trì miễn dịch ở mức hiệu quả.
Tại Singapore và Hong Kong, chính sách y tế cũng được điều chỉnh theo hướng linh hoạt hơn. Các ca bệnh nhẹ không cần nhập viện, cách ly dựa trên triệu chứng. Những người có biểu hiện đường hô hấp được khuyến khích ở nhà, theo dõi sức khỏe và đeo khẩu trang nếu cần ra ngoài.
Bên cạnh đó, các biện pháp như rửa tay thường xuyên, giữ vệ sinh không gian công cộng và khuyến khích sử dụng khẩu trang trong mùa cao điểm bệnh hô hấp vẫn được áp dụng. Tại Việt Nam, Bộ Y tế đề nghị các bệnh viện rà soát và cập nhật kế hoạch thu dung, điều trị người bệnh theo dự báo tình hình bệnh dịch, không để tình trạng ứng phó thụ động, bất ngờ.
Nguy cơ vẫn tồn tại
Dù Covid-19 không còn là mối đe dọa khẩn cấp toàn cầu, giới chuyên gia cảnh báo nguy cơ dịch tái bùng phát vẫn còn hiện hữu. Tại Mỹ, khoảng 50.000 người vẫn tử vong mỗi năm vì Covid-19, con số tương đương với bệnh cúm nặng. Dù thấp hơn nhiều so với đỉnh dịch, đây vẫn là một gánh nặng y tế đáng kể.
Ngoài ra, hội chứng hậu Covid-19 (Long Covid) tiếp tục là một thách thức. Theo Washington Post, ước tính có khoảng 14 triệu người Mỹ đang sống chung với hậu Covid, kèm các triệu chứng như mệt mỏi, suy giảm trí nhớ, khó ngủ và đau nhức kéo dài.
Nguy cơ khác là sự xuất hiện của biến thể mới có khả năng né miễn dịch. Theo Nhóm Cố vấn Kỹ thuật của WHO về Thành phần Vaccine Covid-19 (TAG-CO-VAC), một số biến thể như LP.8.1 và KP.2 có đặc tính lan truyền mạnh hơn. Nếu chúng tiếp tục tiến hóa theo hướng né tránh miễn dịch, nguy cơ xuất hiện làn sóng dịch mới là điều có thể xảy ra, đặc biệt trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng nhắc lại tại nhiều quốc gia có xu hướng giảm và tâm lý chủ quan trong cộng đồng gia tăng.
WHO cảnh báo việc giảm tỷ lệ tiêm chủng hoặc lơ là giám sát dịch tễ có thể tạo điều kiện cho virus tái bùng phát mạnh mẽ hơn. Do đó, giới khoa học nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục giám sát dịch tễ, đầu tư vào nghiên cứu vaccine và tăng cường năng lực ứng phó khẩn cấp.