Có nên xét nghiệm tìm 'cục máu đông' sau tiêm vaccine Covid?
Nhiều người nói nên đi xét nghiệm để tìm "cục máu đông" có thể hình thành sau tiêm vaccine Covid-19, điều này đúng hay sai? (Trang, 30 tuổi, Hà Nội).
Trả lời:
Gần đây, người dân hoang mang trước thông tin AstraZeneca thừa nhận vaccine Covid-19 của hãng có thể gây đông máu trong một số trường hợp hiếm gặp. Do đó, nhiều người đổ xô làm xét nghiệm D-Dimer để tìm cục máu đông hoặc mua thuốc uống để làm tan cục máu đông, giảm nguy cơ bị đột quỵ.
Tuy nhiên, mũi tiêm gần nhất khoảng hai năm, khó để lại tác dụng phụ đến hiện tại. Bộ Y tế khẳng định tác dụng phụ của vaccine (nếu có) chỉ xảy ra trong vòng 28 ngày sau khi dùng. Việt Nam đã tiêm hàng chục triệu liều vaccine của AstraZeneca nhưng chỉ mới ghi nhận một vài trường hợp có phản ứng phụ liên quan huyết khối sau tiêm. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết tác dụng phụ của vaccine cũng rất hiếm gặp. Do đó, người dân cần tỉnh táo để tránh "tiền mất, tật mang".
Thực tế, D-Dimer là phương pháp xét nghiệm đặc hiệu cho người có huyết khối trong lòng tĩnh mạch, do bác sĩ chuyên khoa tim mạch chỉ định. Chẳng hạn thiếu máu cơ tim hoặc nhồi máu cơ tim, đau nặng ngực phía bên trái, đau nhói dọc theo cánh tay bên trái, mệt kèm khó thở, vã mồ hôi... Trường hợp sức khỏe bình thường, kết quả xét nghiệm D-Dimer sẽ có sai lệch, dễ gây hoang mang, tốn kém.
Trường hợp phát hiện bất thường, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm chuyên sâu để xác định vị trí, mức độ huyết khối mới có biện pháp điều trị phù hợp. Không phải huyết khối nào cũng có thể sử dụng thuốc để điều trị. Do đó, người dân không tự ý dùng thuốc uống để làm tan cục máu đông.
Bác sĩ khuyến cáo kể cả tiêm vaccine hay không đều có nguy cơ đột quỵ. Khi nhận thấy bất thường về sức khỏe, người dân nên đến cơ sở y tế uy tín để thăm khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.