Có nên nội soi dạ dày và đại tràng cùng lúc?
Nhiều người nói nội soi dạ dày và đại tràng cùng lúc có thể làm tăng nguy cơ biến chứng, điều này đúng hay sai? (Minh, 35 tuổi, TP HCM)
Trả lời:
Nội soi dạ dày là phương pháp chẩn đoán và phát hiện triệu chứng bất thường tại lớp niêm mạc dạ dày, đặc biệt là phát hiện sớm ung thư dạ dày hiệu quả. Phương pháp này có thể thực hiện không gây mê hoặc gây mê. Thủ thuật thực hiện từ đường miệng hoặc đường mũi qua thực quản vào trong dạ dày bằng một loại ống mềm với đường kính khoảng 1 cm, đầu ống có gắn thiết bị camera để trực tiếp thu hình và hiển thị trên màn hình.
Còn nội soi đại tràng là phương pháp giúp phát hiện những bất thường ở niêm mạc đại tràng hay các dị tật có thể xuất hiện trong bộ phận này. Đồng thời, đây còn là một cách để tầm soát ung thư và cắt bỏ những tổn thương tiền ung thư như polyp, khối u nhỏ... Cũng như nội soi dạ dày, nội soi đại tràng có thể thực hiện gây mê và không gây mê. Thủ thuật sử dụng một số kỹ thuật chẩn đoán bằng cách dùng ống mềm với đầu ống có gắn thiết bị camera đi từ ống hậu môn qua trực tràng và đi đến đại tràng.
Tuy thủ thuật của hai bộ phận này khác nhau nhưng việc nội soi dạ dày, đại tràng cùng lúc có thể thực hiện. Việc này thậm chí còn có thể giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho bệnh nhân. Vì vậy, người bệnh có nguy cơ cao hoặc muốn tầm soát các bệnh về hệ tiêu hóa có thể yên tâm thực hiện hai thủ thuật này cùng lúc để tối ưu về mọi phương diện.
Mọi người nên thực hiện thủ thuật tại các bệnh viện lớn, có đầy đủ các phương tiện và chuyên gia cấp cứu, để giảm nguy cơ rủi ro.