Có nên cắt buồng trứng để phòng ung thư vú tái phát?
Dì tôi bị ung thư vú giai đoạn hai, nhiều người khuyên nên cắt buồng trứng để phòng ngừa tái phát, di căn có đúng không? (Mạnh Linh, Quảng Nam)
Trả lời
Ung thư vú không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể di căn hạch, phổi, xương, não... Ung thư vú có nhiều loại và không phải tất cả đều điều trị giống nhau. Bác sĩ xem xét kết quả khám lâm sàng, xét nghiệm hình ảnh, giải phẫu bệnh lý và sinh học của khối u (hóa mô miễn dịch), từ đó lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp cho người bệnh.
Ung thư vú loại có thụ thể nội tiết dương tính phát triển nhanh khi có estrogen gắn vào các thụ thể trên bề mặt tế bào ung thư. Ở phụ nữ, hormone estrogen chủ yếu được sản sinh ở buồng trứng, một lượng ít hơn được chuyển đổi từ testosterone trong mô mỡ.
Ức chế chức năng buồng trứng là phương pháp điều trị nhằm ngăn chặn sản xuất estrogen từ buồng trứng. Phương pháp này áp dụng chủ yếu ở phụ nữ ung thư vú chưa mãn kinh, dương tính với thụ thể hormone (HR+), tức các tế bào ung thư sử dụng hormone estrogen để phát triển.
Ức chế buồng trứng có thể gây ra triệu chứng mệt mỏi, bốc hỏa, đổ mồ hôi vào ban đêm, loãng xương... do thiếu hụt estrogen. Âm đạo khô và kích ứng, giảm ham muốn tình dục, da khô ráp... cũng là những tác dụng phụ khi sử dụng phương pháp này.
Có ba phương pháp ức chế chức năng buồng trứng gồm phẫu thuật, xạ trị và dùng thuốc. Trong đó, cắt buồng trứng bằng phẫu thuật hay xạ trị là phương pháp loại bỏ buồng trứng vĩnh viễn, thời gian điều trị ngắn, ít tốn kém chi phí. Tuy nhiên, chức năng buồng trứng không được hồi phục.
Có thể ức chế buồng trứng tạm thời bằng thuốc, thời gian sử dụng thuốc thường là 5 năm. Sau khi ngừng dùng thuốc, chức năng buồng trứng có thể hồi phục, đời sống sinh lý của bệnh nhân trở lại bình thường. Cách này giảm được tác dụng phụ đau xương khớp, khô da, gãy rụng tóc, các cơn bốc hỏa...
Bác sĩ lựa chọn phương pháp ức chế buồng trứng tùy thuộc vào tình trạng bệnh, độ tuổi và mong muốn của người bệnh ung thư vú. Trường hợp của dì bạn, bác sĩ cần xem xét kết quả hóa mô miễn dịch để tư vấn phù hợp.