logo

 Hotline:24/7(Zalo call): 036 385 7742(Mr Hải) 

1-0x400 2-0x400 4-0x400 5-0x400 11 2 3-0x400 4 5
Trang chủ»Tin tức»Chi hàng chục triệu đồng mua giấc ngủ ngon

Chi hàng chục triệu đồng mua giấc ngủ ngon

Chi hàng chục triệu đồng mua giấc ngủ ngon
HÀ NỘI2h sáng, Ngân, 29 tuổi, không thể chợp mắt. Cô nhổm dậy thắp nến thơm lần 3, xịt nước hoa vào gối và uống hai viên thuốc an thần.

8 tháng nay, Ngân, nhân viên kinh doanh bất động sản, ở Hà Đông, không thể chợp mắt nếu không có thuốc và các dụng cụ hỗ trợ. Tình trạng mất ngủ của cô bắt nguồn từ việc công ty làm ăn khó khăn, nguy cơ thất nghiệp ngấp nghé. Do áp lực công việc, Ngân thường xuyên nghĩ ngợi, lâu dần dẫn đến khó và mất ngủ.

Ban đầu, Ngân tìm đến các loại trà thảo dược, tâm sen để an thần song tình trạng không cải thiện. Cô được người quen giới thiệu sử dụng loại nến thơm, thắp trong phòng vào buổi đêm, mang lại cảm giác thư thái. Từ đó, Ngân ngày càng bị lệ thuộc, không có nến, cô rất khó vào giấc.

Một thời gian sau, cảm thấy dùng nến không tác dụng, Ngân mua một chiếc giường massage với quảng cáo "mang lại giấc ngủ êm ái", giá hơn 20 triệu đồng, kèm loại nước hoa xịt vào gối. Bên cạnh đó, cô học lớp thiền, chi 300 nghìn đồng một tháng cho app (ứng dụng) liệu pháp âm thanh, gồm các bản nhạc giúp người nghe thư giãn, dễ vào giấc.

Dù vậy, tất cả phương pháp gần như chỉ có tác dụng thời gian đầu, tình trạng mất ngủ nghiêm trọng hơn. Cô dễ tỉnh, thường xuyên thức trắng đêm khiến sức khỏe sa sút. Bế tắc, người phụ nữ ra hiệu thuốc hỏi mua viên an thần, tuy nhiên uống được vài ngày thì xuất hiện những cơn hoảng loạn kèm sợ hãi, phải nhập viện.

Bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, phát hiện loại thuốc bệnh nhân tự ý dùng là thuốc chống trầm cảm 3 vòng (TCA). Thuốc này khi sử dụng phải có chỉ định, kèm sự theo dõi nghiêm ngặt bởi bác sĩ do chúng có nhiều tác dụng phụ.

Cũng bị mất ngủ do áp lực công việc, Hoàng An, 24 tuổi, chi hàng chục triệu đồng học thiền, yoga, gối massage, nhưng không hiệu quả. Gần một năm mất ngủ, sức khỏe thể chất và tinh thần bị ảnh hưởng nghiêm trọng, An xin nghỉ việc. "Mỗi đêm, tôi không chợp mắt nổi, chỉ biết cố gắng suy nghĩ tích cực nhưng cứ thức đến sáng lại bất lực bật khóc", cô chia sẻ.

Sau khi khám tại Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ kết luận cô mắc chứng trầm cảm mức độ vừa và rối loạn giấc ngủ không thực tổn. Nguyên nhân liên quan hậu Covid và căng thẳng công việc kéo dài. Cô uống thuốc theo đơn, nhưng sau đó cảm thấy chân tay bủn rủn, tụt huyết áp, nói chuyện hụt hơi, da xanh xao.

Bác sĩ khuyên tiếp tục uống và kiên trì vận động. Mỗi ngày, An sử dụng hai loại thuốc vào buổi sáng và tối, kèm các thực phẩm chức năng hỗ trợ, chi phí tốn hai triệu đồng một tháng. "Nhiều lúc, thấy mọi người xung quanh ngủ được mà ghen tị, giờ tôi chỉ ước có được ngủ một giấc bình thường", An nói.
Một nghiên cứu của Wakefield Research cho thấy khoảng 37% người trẻ Việt bị mất ngủ, 73% thừa nhận gặp tình trạng căng thẳng (stress) do rối loạn giấc ngủ. Đáng chú ý, 79% người tham gia khảo sát nói không có thời gian nghỉ ngơi mỗi ngày và trung bình mỗi nhân viên văn phòng dành 10 ngày một năm chỉ để ngủ bù.

Theo khảo sát của VnExpress, tỷ lệ người trẻ đến khám bệnh mất ngủ tăng tại Bệnh viện Bạch Mai, Viện Tâm thần Trung ương, Bệnh viện Đại học Y,... trong thời gian gần đây. Như tại Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, số người trẻ khám mất ngủ và các bệnh liên quan khoảng 20-30 ca mỗi ngày, tăng gấp đôi so với trước thời kỳ đại dịch.

Tương tự, tại TP HCM, một khảo sát tình trạng mất ngủ trong cộng đồng dân cư vào năm 2019, cho thấy khoảng 33% dân số bị một trong nhiều triệu chứng mất ngủ và khoảng 30% bệnh mất ngủ có liên hệ bệnh tâm thần. Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, các bác sĩ cho biết số lượng người đến khám vì mất ngủ chiếm tỷ lệ khoảng 15%. Tuy nhiên, bệnh mất ngủ còn được phát hiện khi người bệnh đến khám vì các nguyên nhân khác (khoảng 35-40%).

Theo các chuyên gia, triệu chứng của rối loạn giấc ngủ là khó đi vào ngủ ban đêm, ngủ ngắn, thường xuyên mơ, khó ngủ lại sau khi thức dậy vào nửa đêm. Ban ngày, người gặp chứng mất ngủ cảm thấy mệt mỏi, kém tập trung, suy giảm trí nhớ và khó chịu. Một người được xác định là "mất ngủ kinh niên" nếu có từ hai triệu chứng trở lên, kéo dài hơn ba tháng.

Bác sĩ Thu cho biết lý do mất ngủ chia thành yếu tố sinh lý, tâm lý và môi trường. Phổ biến là những biến cố như thành tích thấp trong kỳ thi, trượt đại học, chia tay người yêu, thất nghiệp, áp lực kiếm sống, lo lắng về tuổi tác,... khiến nhiều người không thể chợp mắt. Hoặc các thói quen như thức khuya, lướt điện thoại, "cày" phim cũng gây rối loạn giấc ngủ.

Bệnh mất ngủ gây những hậu quả nghiêm trọng, lâu dài dẫn đến trầm cảm, rối loạn tâm lý và ý định tự sát; nguy cơ mắc bệnh béo phì. Lái xe trong trạng thái buồn ngủ, gây nguy hiểm tính mạng cho chính mình và người xung quanh. Thiếu ngủ làm tăng tỷ lệ tử vong lên 13%. Bệnh này cũng làm giảm năng suất lao động, gây tình trạng lãng phí trong các tổ chức, doanh nghiệp. Trên thế giới, thiếu ngủ gây thiệt hại 680 tỷ USD mỗi năm cho 5 nước OECD, bao gồm Nhật Bản, Đức, Anh, Canada và Mỹ.

Hiện, Việt Nam chưa có thống kê người dân chi bao nhiêu tiền cho các liệu pháp hỗ trợ giấc ngủ. Tuy nhiên, bác sĩ Thu cho biết đa số bệnh nhân đến Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương kể trước nhập viện, họ từng học thiền, yoga, vẽ, mua thuốc đông y và thực phẩm chức năng để hỗ trợ giấc ngủ. Khi các phương pháp này không còn tác dụng, nhiều bệnh nhân tìm đến các chất kích thích, thuốc an thần.

Một số loại thuốc ngủ có thể mang lại lợi ích ngắn hạn như giúp giảm căng thẳng, thư giãn và dễ ngủ hơn, song sử dụng thường xuyên và lạm dụng có thể dẫn đến tình trạng phụ thuộc, ảnh hưởng khả năng tự ngủ. Chưa kể, thuốc có thể giúp ngủ tốt trong thời gian ngắn, nhưng không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của mất ngủ, như căng thẳng do rối loạn lo âu, trầm cảm. Sử dụng thuốc ngủ không được kiểm soát có thể gây tương tác không mong muốn với các thuốc khác, nguy hiểm cho sức khỏe.
Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Quang Hải, Hội Châm cứu Việt Nam, cũng tiếp nhận nhiều trường hợp nhập viện vì mất ngủ, phải tìm đến thuốc an thần sau khi chi nhiều tiền vào các biện pháp. Như nam bệnh nhân 18 tuổi, do áp lực học tập dẫn đến khó ngủ, ngủ không sâu giấc và dễ thức giấc vì đau đầu. Em kể từng mua gần 10 hộp kẹo hỗ trợ giấc ngủ, giá 600 nghìn đồng một hộp, sau đó phải nhập viện do tự tăng liều, dẫn đến ăn uống kém, mệt mỏi.

Các bác sĩ cho biết, tình trạng mất ngủ thoáng qua (như khó đi vào giấc ngủ), xuất hiện trong thời gian ngắn, thường liên quan đến lo âu, sẽ tự điều chỉnh. Mất ngủ kéo dài (khó duy trì giấc ngủ) liên quan đến các bệnh lý cơ thể hoặc tâm thần. Trường hợp này đòi hỏi phải đánh giá tỉ mỉ và điều trị nguyên nhân mới có thể tái lập giấc ngủ.

"Trên thực tế, nhiều bệnh nhân mất ngủ vài năm mới tìm đến bác sĩ là rất đáng tiếc, đặc biệt khi mất ngủ đi kèm với các dấu hiệu khác của lo âu, trầm cảm", bác sĩ Hải nói, thêm rằng nếu mất ngủ kéo dài hoặc xu hướng ngày càng nặng, nên gặp chuyên gia để được tư vấn và điều trị phù hợp.

Để phòng ngừa, mọi người nên duy trì thói quen thức ngủ đúng giờ hàng ngày, đảm bảo môi trường yên tĩnh, hạn chế sử dụng thiết bị điện tử ít nhất 30 phút trước khi đi ngủ, đọc sách, nghe nhạc nhẹ, tắm nước ấm, tập thể dục đều đặn.

Tránh ăn quá no hoặc quá đói trước khi đi ngủ, hạn chế thức ăn và đồ uống chứa caffeine như cà phê, trà, nước ngọt có gas. Có thể dùng một số thảo dược hỗ trợ giấc ngủ như tâm sen, hoa cúc...

Liên hệ

Địa Chỉ công ty Tại Bhutan: Norzin Lam 676, Thimphu, Bhutan

Đại diện tại Hà Nội: 61 Văn Chương, Hà Nội
Hotlines 24/7: 0363857742 (Viber và Zalo)
Email: dongtrunghathaobhutan123@gmail.com
Website: www.dongtrunghathaothiennhienbhutan.com

Bản đồ

Thiết Kế Bởi Công Ty Web Hoàng Gia Bhutan

 
 

scoped="scoped" type="text/css">>