Cắt u đại tràng triệt căn ung thư
Hà NộiBà Thúy, 78 tuổi, mổ ung thư đại tràng ba năm trước, lần này khám sức khỏe định kỳ tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh phát hiện u đại tràng, cần cắt tách qua nội soi để triệt căn.
Kết quả nội soi nhuộm màu cho thấy nhiều polyp, ở đại tràng ngang góc gan phải có khối tổn thương lan sang hai bên, kích thước lớn (5,5x4 cm). Phương pháp nội soi nhuộm màu và kỹ thuật nội soi hình ảnh dải ánh sáng hẹp (NBI) giúp bác sĩ quan sát rõ hơn mô hình mạch máu và mô hố (hai dấu hiệu bệnh ác tính). Nhờ đó, bác sĩ có thể đánh giá các polyp và khối tổn thương có nguy cơ ung thư cao xâm lấn dưới niêm mạc.
Ngày 3/3, bác sĩ Đào Trần Tiến, Phó khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết đây là khối u loạn sản độ cao, giai đoạn tiền ung thư. Trước đây, với u tiền ung thư hoặc ung thư giai đoạn sớm, bác sĩ thường phẫu thuật cắt đoạn đại tràng. Còn bệnh nhân Thúy lớn tuổi, từng phẫu thuật cắt 1/2 đoạn đại tràng, nếu phẫu thuật lần hai dễ biến chứng, nguy cơ mất chức năng đại tràng do cắt toàn bộ, làm giảm chất lượng sống.
Sau hội chẩn đa chuyên khoa, bác sĩ chọn phương pháp ESD (cắt tách niêm mạc) qua nội soi. Ê kíp đưa ống nội soi từ hậu môn đi qua các đoạn của đại tràng đến vị trí tổn thương, dùng dụng cụ chuyên dụng cắt tách niêm mạc phía dưới, loại bỏ tổn thương loạn sản.
Theo bác sĩ Tiến, người bệnh tiền sử ung thư đại tràng sigma, đã phẫu thuật và hóa trị nên có sự biến đổi về giải phẫu, độ dính cao, ê kíp cần xử lý khéo léo, cắt triệt để tổn thương ở phần đáy niêm mạc. Ngoài ra, bệnh nhân lớn tuổi có bệnh nền tăng huyết áp, đại tràng mỏng nên bác sĩ cẩn trọng trong từng thao tác.
Người bệnh được loại bỏ hoàn toàn u đại tràng bằng cắt tách niêm mạc, đồng thời 9 polyp nằm rải rác ở lòng đại tràng được cắt hết trong quá trình nội soi. Bác sĩ kẹp và đốt cầm máu những điểm có nguy cơ chảy máu, đóng vết thương, giảm tối đa tỷ lệ biến chứng tại chỗ.
Một ngày sau mổ, bà Thúy tập ăn cháo trở lại, sức khỏe ổn định, không đau chướng bụng, được xuất viện sau ba ngày.
Bác sĩ Tiến lưu ý người bệnh có can thiệp cắt tách niêm mạc ở đại tràng cần ăn thực phẩm dễ tiêu, mềm như cháo, súp, chất xơ nên xay nhuyễn. Hạn chế vận động mạnh liên quan đến vùng gần với vị trí can thiệp.
Ung thư đại tràng khá phổ biến, tỷ lệ mắc phổ biến ở người 40-50 tuổi. Hơn một nửa trường hợp ung thư đại tràng xảy ra ở trực tràng và đại tràng sigma. U đại tràng không có triệu chứng, dễ chuyển biến thành ung thư. Khi phát hiện u, người bệnh nên tái khám định kỳ sau 6 tháng một lần để kịp thời phát hiện, xử lý các tổn thương tiến triển nếu có.