Can thiệp tim thai là sự kiện nổi bật TP HCM 2024
Năm 2024 ghi nhận thành công của ngành y tế TP HCM khi lần đầu các bác sĩ can thiệp tim cho trẻ ngay trong bụng mẹ.
Sở Y tế TP HCM đánh giá đây là một trong 10 sự kiện nổi bật của ngành y tế thành phố năm nay, công bố ngày 22/12.
Đầu năm nay, ê kíp bác sĩ Nhi đồng 1 và Bệnh viện Từ Dũ phối hợp thông tim xuyên tử cung cứu sống bào thai dị tật tim nặng đầu tiên Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á. Kỹ thuật này đòi hỏi rất lớn ở tay nghề bác sĩ, hiện chỉ vài nơi trên thế giới thực hiện được. Công trình được vinh danh là một trong 12 thành tựu y khoa Việt Nam hồi tháng 2.
Đến nay, nhiều trẻ chào đời khỏe mạnh sau khi sửa dị tật tim trong bụng mẹ. Trước đây, những ca mắc tim bẩm sinh tương tự đều phải chờ đến khi em bé ra đời, nuôi đến lúc nặng vài kg mới can thiệp được. Không ít trẻ do tình trạng quá nặng, đã tử vong trong bụng mẹ, hoặc khi chào đời tim đã hỏng nặng, dù can thiệp nhiều lần cũng khó trở lại bình thường.
Ngoài can thiệp tim thai, việc Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Truyền máu Huyết học được Tổ chức ACHSI (Australia) và Tổ chức JCI (Mỹ) công nhận đạt chuẩn chất lượng cũng là sự kiện nổi bật. Đây là hai tổ chức đánh giá chất lượng y tế có uy tín thế giới, được nhiều bệnh viện lớn toàn cầu áp dụng, giúp đảm bảo sự an toàn và hài lòng của người bệnh.
Thành quả này đạt được sau hơn 10 năm nỗ lực cải thiện theo Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện của Bộ Y tế. Người bệnh được điều trị theo tiêu chuẩn quốc tế với chi phí phù hợp, tạo nền tảng hội nhập, phát triển du lịch y tế và đưa TP HCM trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN.
Theo Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng, năm nay thành phố chủ động công bố dịch sởi từ cuối tháng 8, ban hành kế hoạch phòng chống dịch sởi trên địa bàn, ngay sau đó triển khai chiến dịch tiêm vaccine miễn phí cho khoảng 200.000 trẻ. Đến nay, về cơ bản dịch sởi đã được kiểm soát và khống chế, không bùng phát lan rộng trong cộng đồng. Ngành y tế đang tiếp tục triển khai tiêm vaccine sởi cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi, hướng đến mục tiêu sớm công bố hết dịch.
Thành phố còn chuyển đổi phương thức đấu thầu thuốc từ riêng lẻ sang đấu thầu gộp cho tuyến y tế cơ sở nhằm đáp ứng đủ cơ số thuốc cho trạm y tế, với 292 mặt hàng. Trước đây, việc cung ứng thuốc cho trạm y tế phường xã do các trung tâm y tế quận huyện đảm trách thông qua đấu thầu thuốc riêng lẻ, xảy ra tình trạng thiếu thuốc cho người dân khám chữa bệnh ban đầu.
Mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng được hình thành với hơn 14.000 thành viên, là "cánh tay nối dài" góp phần triển khai hiệu quả các chương trình y tế cộng đồng trên địa bàn. Từ đầu năm nay, những cộng tác viên được hỗ trợ 500.000-550.000 đồng mỗi tháng và một phần kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế.
Ngành y tế triển khai đề án phát triển hệ thống cấp cứu ngoài bệnh viện theo hướng chuyên nghiệp đến năm 2030, tập trung mở rộng trung tâm cấp cứu 115, trạm vệ tinh, đa dạng hóa phương tiện và đẩy mạnh chuyển đổi số trong tiếp nhận, tư vấn, điều phối mạng lưới.
Sở Y tế cũng ra mắt Cổng tra cứu hành nghề y, dược, giúp người dân dễ dàng tìm thông tin cơ sở khám chữa bệnh và hỗ trợ quản lý hiệu quả. Thanh tra Sở có thể nhanh chóng xác minh thông tin cơ sở, người hành nghề qua cổng này, thay vì chờ phòng chức năng cung cấp như trước.
Năm nay, Sở Y tế TP HCM ký kết hợp tác với 31 Sở Y tế các tỉnh, thành nhằm trao đổi chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm phòng chống dịch, quản lý y tế, đào tạo nhân lực, góp phần giảm tải bệnh viện và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe khu vực.
Hiện, thành phố đã tích hợp hơn 1,1 triệu sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VneID, thay thế sổ khám bệnh truyền thống.