Căn bệnh ví như kẻ giết người thầm lặng: Cứ 3 người trên 18 tuổi có một ca
(Dân trí) - Theo bác sĩ, cứ 3 người từ 18 tuổi trở lên là có một ca căn bệnh này. Nếu không điều trị hiệu quả, tình trạng này có thể dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim và nhiều biến chứng khác lên mắt, thận...
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Xuân Tuấn Anh, Phòng khám Tim mạch, thuộc khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, huyết áp là áp lực của dòng máu tác động lên trên mạch máu của chúng ta. Mỗi lần trái tim co bóp, lượng máu sẽ được bơm vào tim và di chuyển đi nuôi cơ thể.
Mức huyết áp 140/90 mmHg được xem là mốc huyết áp mục tiêu. Khi trị số huyết áp tâm thu từ 140 mmHg trở lên, hoặc huyết áp tâm trương từ 90 mmHg trở lên sẽ được xem là tăng huyết áp. Nếu không được phát hiện và điều trị hiệu quả, tình trạng này có thể dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim và nhiều biến chứng khác lên tim, mắt, thận, mạch máu…
Theo bác sĩ Tuấn Anh, tỷ lệ mắc bệnh tăng huyết áp hiện nay theo thống kê chung cho người từ 18 tuổi trở lên là 1/3, tức cứ 3 người là có 1 ca bệnh tăng huyết áp. Càng lớn tuổi, tỷ lệ mắc bệnh càng cao. Đặc biệt, độ tuổi 70-80 tỷ lệ mắc tăng huyết áp lên đến 80%.
Mặt khác, bệnh tăng huyết áp ngày càng có xu hướng trẻ hóa do lối sống căng thẳng, ít vận động, chế độ ăn uống nhiều đạm, nhiều dầu mỡ, uống rượu bia, hút thuốc lá... Việc trẻ hóa bệnh tăng huyết áp cũng dẫn đến việc trẻ hóa các biến chứng xảy ra do bệnh tăng huyết áp.
Nguy hiểm hơn, tỷ lệ người đã được chẩn đoán mắc tăng huyết áp nhưng chưa tuân thủ điều trị chiếm đến 50% vì bệnh hầu như không gây triệu chứng điển hình. Trong số những người tuân thủ điều trị, có khoảng 30% trường hợp không đạt được huyết áp mục tiêu, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe.
Như trường hợp của chị M. (46 tuổi ngụ TPHCM), phát hiện tăng huyết áp khi khám sức khỏe định kỳ cách đây 1 năm, được bác sĩ hướng dẫn thay đổi lối sống, tránh căng thẳng và duy trì uống thuốc đều đặn. Gần đây vì công việc bận rộn và mệt mỏi, chị thường quên uống thuốc
Khi vào bệnh viện kiểm tra, người phụ nữ đã trong tình trạng huyết áp lên xuống thất thường và lo âu, căng thẳng. Để can thiệp, bên cạnh việc dùng thuốc để hạ huyết áp, bác sĩ chỉ định người bệnh thay đổi lối sống, cân đối thời gian làm việc và nghỉ ngơi, tập luyện thể dục thường xuyên, giảm lượng muối trong khẩu phần ăn hàng ngày.
Sau 2 tuần theo dõi, chị M. duy trì được huyết áp mục tiêu, tinh thần thoải mái hơn và tiếp tục tái khám định kỳ.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Tuấn Anh cho biết, mỗi người có thể chủ động phát hiện tăng huyết áp bằng cách tự đo huyết áp tại nhà hoặc đến các cơ sở y tế gần nhất. Khi đã được chẩn đoán mắc bệnh tăng huyết áp, người bệnh cần thay đổi lối sống và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để điều chỉnh huyết áp về mức mục tiêu.
Trên thực tế, nhiều người bệnh dù uống thuốc đều đặn nhưng vẫn duy trì thói quen ăn mặn, căng thẳng kéo dài, thiếu vận động... cũng sẽ khó duy trì huyết áp ở mức ổn định. Đặc biệt, người mắc các bệnh lý nền như đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, bệnh thận mạn... cần tái khám định kỳ các chuyên khoa để duy trì các chỉ số sức khỏe.
Bác sĩ khuyến cáo, người dân cần tăng cường nhận thức về bệnh, hiểu về mục tiêu huyết áp trong điều trị và chia sẻ với bác sĩ khi có bất thường về chỉ số huyết áp khi tự theo dõi tại nhà. Bên cạnh đó, cần duy trì chế độ ăn nhạt, tập thể dục đều đặn, hạn chế căng thẳng hay dùng các chất kích thích… để kiểm soát huyết áp hiệu quả, phòng ngừa biến chứng nguy hiểm.