Căn bệnh khiến nam giới bị khó tiểu
Khó tiểu, dòng nước tiểu chậm, khó làm trống bàng quang... là những dấu hiệu chỉ ra nam giới bị phì đại tuyến tiền liệt.
Một số nam giới chia sẻ cảm giác bàng quang đầy, thậm chí muốn "vỡ tung" ra nhưng lại khó khăn khi đi tiểu, tiểu ít hay nhiều lần. Dù cố gắng thế nào, họ cũng không thể làm trống bàng quang. Các chuyên gia tiết niệu cho biết những triệu chứng này chỉ ra sự tắc nghẽn trong đường ống dẫn nước tiểu do phì đại tuyến tiền liệt hay tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt (BPH).
Tuyến tiền liệt có kích thước bằng hạt dẻ, nằm dưới bàng quang và bao quanh niệu đạo, ống dẫn nước tiểu ra ngoài. Tuyến tiền liệt cũng nằm ngay phía trước trực tràng, thực hiện nhiệm vụ sản xuất phần tinh dịch loãng, màu trắng đục - rất quan trọng đối với hoạt động bình thường của các tế bào tinh trùng và khả năng sinh sản ở nam giới. Nó cũng đóng vai trò đẩy tinh dịch ra ngoài trong quá trình xuất tinh.
Theo Tổ chức Chăm sóc tiết niệu Mỹ, tuyến tiền liệt tiếp tục phát triển trong suốt cuộc đời của một người đàn ông và có thể to bằng quả cam. Nhưng sự phát triển đó phải có giới hạn bởi khi nó to quá mức, sẽ dẫn tới phì đại khiến nam giới gặp các tình trạng như: rặn khi đi tiểu, dòng nước tiểu chạy chậm, thường xuyên thức dậy vào ban đêm để đi tiểu và không có khả năng làm trống bàng quang.
Tiến sĩ Thiruchelvam Jegathesan, chuyên gia tư vấn khoa tiết niệu tại một bệnh viện ở Singapore, cho biết những bệnh nhân bị tắc nghẽn ở mức độ cao có khả năng bị nhiễm trùng đường tiết niệu và sỏi bàng quang. "Lý do chính xác của BPH vẫn chưa được biết nhưng được cho là có liên quan đến tuổi tác và nội tiết tố nam. Những yếu tố này gây ra sự gia tăng của các tế bào tuyến tiền liệt. Thông thường, BPH xảy ra sau 50 tuổi và trở nên phổ biến hơn theo tuổi tác", ông nói.
Một nghiên cứu được thực hiện ở Singapore ủng hộ mối liên hệ giữa tuổi tác và phì đại tuyến tiền liệt mà tiến sĩ Jegathesan đã đề cập. Khi dân số già đi, tỷ lệ bệnh nhân có các triệu chứng BPH từ trung bình đến nặng ngày càng tăng, từ 10% năm 1997 lên 14% năm 2005 và 16,5% năm 2012.
Tiến sĩ Fiona Wu, chuyên gia tư vấn tiết niệu, cho rằng việc nhận thức rõ hơn về BPH cũng dẫn đến tỷ lệ mắc bệnh cao hơn được ghi nhận trong những năm qua. "Hiện tại, nhiều nam giới tìm kiếm lời khuyên từ các chuyên gia tiết niệu sớm hơn bởi họ đã được chứng kiến cha, ông của mình phải vật lộn với các triệu chứng của BPH như thế nào", cô nói.
Theo tiến sĩ Wu, vì phì đại tuyến tiền liệt là gốc rễ của vấn đề nên phương pháp điều trị thường tập trung vào việc loại bỏ hay thu nhỏ cơ quan này, hoặc mở rộng chỗ thắt để nước tiểu chảy qua tốt hơn. Tuy nhiên, phì đại tuyến tiền liệt và các vấn đề tiết niệu kèm theo có thể tái phát sau khi điều trị. "Bác sĩ tiết niệu sẽ sử dụng các phương pháp khác nhau để điều trị tái phát BPH tùy thuộc vào tình trạng, độ tuổi và thể chất của bệnh nhân", tiến sĩ nói.
Một số phương pháp điều trị bao gồm:
Cắt bỏ tuyến tiền liệt bằng phương pháp nội soi (TURP): Dành cho bệnh nhân bị bí tiểu cấp tính hoặc mãn tính, nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát, sỏi bàng quang, suy thận; túi thừa bàng quang lớn hoặc điều trị nội khoa thất bại.
Phẫu thuật rạch tuyến tiền liệt qua ngả niệu đạo (TUIP): TUIP thường được thực hiện như một thủ thuật bổ sung cho những bệnh nhân trải qua TURP. Phương pháp này dành cho người có tuyến tiền liệt nhỏ hơn 30g cũng như cổ bàng quang cao hoặc hẹp.
Cắt bỏ phần thừa bằng laser: Liệu pháp laser ít chảy máu hơn, phù hợp cho những bệnh nhân đang dùng thuốc chống kết tập tiểu cầu (chất ức chế ngưng kết tiểu cầu) hoặc thuốc chống đông máu để giảm nguy cơ đột quỵ hoặc đau tim.
Nâng niệu đạo tuyến tiền liệt (PUL): Phương pháp điều trị mới này không cắt bỏ bất kỳ mô nào mà sử dụng các kẹp thép nhỏ, không gỉ, được đặt vĩnh viễn vào cơ thể, để nâng hoặc giữ mô tuyến tiền liệt, giúp nước tiểu dễ dàng chảy qua niệu đạo. PUL dành cho người có tuyến tiền liệt từ 30g đến 80g và cũng thích hợp cho nam giới muốn duy trì chức năng cương dương và xuất tinh.
Thuốc: Tùy vào kích thước của tuyến tiền liệt, độ tuổi, sức khỏe và mức độ khó chịu do triệu chứng gây ra, người bệnh sẽ được chỉ định sử dụng thuốc phù hợp. Nhưng thông thường, phương pháp này sẽ mất nhiều thời gian hơn và không đạt được kết quả ngay lập tức như các thủ thuật được đề cập ở trên. Việc sử dụng thuốc cũng có thể gặp các tác dụng phụ như: hạ huyết áp, rối loạn cương dương và giảm ham muốn tình dục. Dù vậy, kích thước của tuyến tiền liệt cũng chỉ giảm 18 - 28%.
Phì đại tuyến tiền liệt ảnh hưởng không chỉ sức khỏe mà cả sinh hoạt hàng ngày của nam giới. Do đó, khi gặp các triệu chứng được nêu trên, phái mạnh nên tới gặp các chuyên gia y tế để được thăm khám và chữa trị kịp thời.