Cảm giác cô độc của người trẻ sau khi khỏi ung thư
MỹUng thư trẻ hóa tạo ra thế hệ bệnh nhân ở độ tuổi 30, họ sống sót sau điều trị nhưng gặp nhiều khó khăn để trở lại với công việc, hòa nhập xã hội.
4 năm trước, ở tuổi 25, Lourdes Monje bỏ công việc nhàm chán tại New York, về sống nhờ căn hộ của chị gái ở Philadelphia, trong khi lên kế hoạch chuyển hướng sang nghề giáo viên. Tuy nhiên, tất cả ước mơ bị gián đoạn vì "bản án ung thư".
Một buổi sáng cuối tháng 10, cô sờ thấy một khối u lạ ở ngực trái. Chuỗi ngày chụp chiếu và sinh thiết đầy đau đớn cho thấy ung thư đã di căn sang phổi. Chẩn đoán nghiệt ngã đó khiến tương lai của Monje trở nên mù mịt.
Trong lần hẹn tiếp theo, bác sĩ của cô trấn an, ung thư giờ đây không còn là án tử, nhờ những thay đổi mang tính cách mạng trong y tế. Các công cụ tiên tiến kết hợp với trí tuệ nhân tạo đã giúp xác định khối u sớm hơn, điều trị trúng đích với tỷ lệ thành công cao.
Nhiều năm trước, một bệnh nhân ung thư điển hình rất khác so với Monje. Họ thường lớn tuổi, đang nghỉ hưu, con cái đã trưởng thành, an toàn hơn về tài chính. Ở độ tuổi già, họ có những người bạn đồng trang lứa mắc bệnh, làm vơi bớt cảm giác đơn độc. Cộng đồng này khiến người già có nghị lực hơn trong cuộc chiến.
Monje đại diện cho một thế hệ người trẻ sống sót sau ung thư. Họ là nhóm bệnh nhân mới, ngoài 30 tuổi, chưa ổn định tài chính, vẫn cần có định hướng cuộc sống sau điều trị, vẫn quan tâm đến sự nghiệp, việc hẹn hò, tình dục và nuôi dạy con cái.
Cuộc sống đảo lộn
Monje mắc ung thư vú ER+/Her2- (thụ thể estrogen dương tính, protein Her2 âm tính), một trong những loại phổ biến nhất, đã có liệu pháp điều trị hiệu quả. Thuốc mới nhắm trúng đích, tiêu diệt tế bào ung thư mà không làm ảnh hưởng đến tế bào khỏe mạnh. Những tiến bộ đó có thể kiểm soát bệnh di căn trong nhiều năm.
"Bác sĩ thậm chí nói tôi đừng bận tâm việc ung thư đã đến giai đoạn 4. Với tôi thì hơi khó", Monje nói.
Dù không phải án tử, quá trình điều trị ung thư cũng khiến Monje rơi vào tình trạng hỗn loạn, về cả thể chất, tinh thần và sự nghiệp.
"Cuộc sống đối với tôi từng là vô hạn, giờ thì khác. Từ khi bị bệnh, tôi dành nhiều thời gian để tiếc nuối rằng mình không còn nghĩ về cuộc sống một cách vô tư nữa. Tôi nghĩ, đây là một trong những cảm xúc khó chấp nhận nhất", Monje nói.
Thực tế, các nghiên cứu thường bỏ qua bệnh nhân ở độ tuổi 20, 30 và 40, theo Alison Silberman, Giám đốc điều hành của Stupid Cancer, nhóm hỗ trợ dành cho người mắc ung thư trẻ tuổi. Vì còn nhiều điều cần trải nghiệm, nhu cầu "sống" của họ lớn và phức tạp hơn. Họ đôi khi là sinh viên đại học, người vừa tốt nghiệp, mới bắt đầu đi làm hoặc xây dựng gia đình. Việc được chẩn đoán ung thư có tác động rất lớn, khó chấp nhận hơn những người đã cao tuổi. "Bản án" ung thư kéo dài, gây ra cảm giác tự ti, cô lập về mặt xã hội.
Bản thân Silberman đã mất đi em trai 24 tuổi vì bệnh ung thư xương. Cậu bé được chẩn đoán khi đang học đại học và qua đời sau 18 tháng vật lộn với phương pháp điều trị khắc nghiệt.
Mặt trái của tin tốt
Điều trị thành công ung thư vốn là tin đáng mừng. Song cuộc sống của các bệnh nhân sau đó tiết lộ mặt tối của chính "tin vui" này.
Nhiều chuyên gia lo ngại cộng đồng y khoa chưa chú ý đến chất lượng cuộc sống người bệnh sau điều trị. Tiến sĩ Silberman cho rằng mối quan tâm về giáo dục, tài chính, xã hội của họ thường bị bỏ qua, rơi vào "vùng xám" của các cuộc thảo luận y khoa. Điều này khiến người bệnh ở thế bị động.
"Các câu hỏi đặt ra quá muộn. Nhiều người thắc mắc về khả năng sinh sản sau điều trị, cách duy trì mối quan hệ xã hội hay tiếp tục đi học, làm thế nào để lập khoản chi sau chữa bệnh hoặc thích nghi với công việc trở lại. Các chuyên gia cần nghĩ đến những việc này sớm hơn", tiến sĩ Silberman nói.
Monje vẫn đang trong hành trình cô độc tìm lời giải cho các vấn đề này, dù đã khỏi ung thư 4 năm. Cô tự hỏi khi nào mình có thể hẹn hò hay đi làm trở lại. Chỉ gần đây, khi đã hồi phục về tâm lý, cô mới sẵn sàng cho một mối quan hệ.
"Trong một thời gian dài, tôi cảm thấy mình không xứng đáng với điều đó. Tôi sợ rằng mình trở thành gánh nặng cho người khác", Monje nói. Cô lo sợ tình trạng vô sinh sau thời gian hóa trị và xạ trị. Đây cũng là lý do Monje ngần ngại lập gia đình.
Con đường đến với sự nghiệp giảng dạy của cô cũng gặp nhiều khó khăn, phần lớn do việc điều trị duy trì gây ra mệt mỏi. Thuốc ung thư làm thay đổi nội tiết tố, tâm trạng đột ngột. Tuy nhiên, gần đây, Monje bắt đầu làm việc bán thời gian, dạy tin học cho người nhập cư. Cô tập trung vào những điều nhỏ bé khiến cuộc sống trở nên quý giá.
"Tôi cảm thấy hạnh phúc hơn trước đây. Trên 'lý thuyết', tôi đã lấy lại cảm hứng", cô nói.