Cách tự kiểm tra ung thư tinh hoàn tại nhà
Ung thư tinh hoàn thường gặp ở độ tuổi từ 15 đến 35 và nam giới có thể tự kiểm tra ngay tại nhà thông qua một số bước.
Ung thư tinh hoàn phổ biến ở những nam giới trẻ tuổi. Theo thống kê từ Hiệp hội Ung thư Mỹ, cứ 250 nam giới thì có một người mắc ung thư tinh hoàn và tỷ lệ tử vong là 1/5.000 ca. Bệnh càng được phát hiện sớm, tỷ lệ sống sót càng cao, vì thế, nam giới có thể thử tự kiểm tra tại nhà trong lúc tắm theo hướng dẫn dưới đây:
Bước 1: Đứng hai chân rộng bằng vai.
Bước 2: Dùng ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa lăn nhẹ một bên tinh hoàn qua lại, sau đó đổi bên.
Bước 3: Cố gắng cảm nhận xem có xuất hiện những bất thường như khối u, nốt cứng ở hai bên tinh hoàn.
Cách kiểm tra trên không cần lực tác động quá mạnh vào cơ quan sinh dục. Do đó, nếu cảm thấy khối u, nốt cứng kèm theo tình trạng đau (đau cả khi không bị tác động), đó có thể là biểu hiện vấn đề không bình thường ở tinh hoàn.
Nam giới nên kiểm tra lúc tắm vì nước ấm có thể có thể giúp thư giãn các cơ vùng bìu, nơi nâng đỡ tinh hoàn, từ đó dễ phát hiện vấn đề hơn. Đặc biệt, nam trong độ tuổi từ 13 đến 35 nên tự kiểm tra với tần suất mỗi lần một tháng.Nếu bạn cảm thấy điều gì đó bất thường khi tự kiểm tra ung thư tinh hoàn, hãy đi thăm khám.
Trong khi nhiều khuyến cáo lo ngại, việc tự kiểm tra ung thư tinh hoàn tại nhà có thể tạo tâm lý lo lắng cho nam giới, khiến họ phải làm những xét nghiệm không cần thiết, thì một số chuyên gia lại cho là tự kiểm tra hoàn toàn có lợi. Điều quan trọng là phái mạnh cần nhận thức và ứng phó kịp thời với những triệu chứng không bình thường, từ đó có cách giải quyết phù hợp.
Thông thường, khi nhận thấy bệnh nhân bị đau kèm sưng ở khu vực bìu, bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm, chẩn đoán cụ thể như siêu âm đáy chậu để phát hiện xem khối u ở tinh hoàn hay không. Phương pháp chụp CT giúp kiểm tra xem tế bào ung thư (nếu có) đã lan truyền tới phần nào trong cơ thể nam giới.
Yếu tố nguy cơ gây ung thư tinh hoàn
Chứng tinh hoàn ẩn: Thông thường, tinh hoàn sẽ nằm ở bìu nhưng một số bé trai khi sinh ra, tinh hoàn lại nằm ở bẹn hoặc sâu trong ổ bụng, tình trạng này dễ dẫn tới ung thư tinh hoàn nếu không được điều trị sớm.
Tiền sử, di truyền: Những người đã từng mắc hoặc gia đình có người bị bệnh cũng có nguy cơ cao hơn.
Xoắn tinh hoàn: Cũng là một trong những nguyên nhân gây ra ung thư tinh hoàn. Đây là tình trạng tinh hoàn bị xoắn, làm gián đoạn nguồn máu cung cấp tới tinh hoàn, gây ra các biểu hiện sưng đau và cần được cấp cứu kịp thời. Xoắn tinh hoàn phổ biến ở nam trong độ tuổi từ 12 đến 18 và tỷ lệ mắc ở đuổi tuổi dưới 25 là 1/4.000.
Ung thư tinh hoàn là mối đe dọa với nam giới trẻ tuổi nhưng nhờ những tiến bộ trong y học, bệnh vẫn có thể điều trị được nếu phát hiện sớm với tỷ lệ sống sót là khoảng 95%. Một trường hợp điển hình là Lance Armstrong, huyền thoại đua xe đạp người Mỹ không chỉ sống sót khi mắc ung thư tinh hoàn mà còn tham gia giải đạp xe nổi tiếng Tour de France với bảy lần vô địch. Do đó, nam giới hãy theo dõi nếu phát hiện bất thường ở bộ phận sinh dục cần thăm khám sớm để điều trị kịp thời.