Cách nào làm chậm quá trình rượu hấp thụ vào máu?
Cuối năm, tôi hay phải uống rượu, có cách nào làm chậm quá trình hấp thụ rượu vào máu, giảm say, ít hại sức khỏe? (Hùng, 40 tuổi, Hà Nội)
Trả lời:
Khi uống rượu, các phân tử rượu thấm qua niêm mạc dạ dày. Nếu uống khi đói, rượu nhanh chóng đi vào máu. Ngược lại, khi dạ dày có thức ăn, đặc biệt là thực phẩm giàu protein, quá trình hấp thụ rượu sẽ chậm lại. Sau khi vào máu, rượu được vận chuyển khắp cơ thể, gây giãn mạch máu, làm đỏ mặt, nóng người, hạ huyết áp và ảnh hưởng đến hệ thần kinh, khiến não hoạt động chậm, suy giảm khả năng đi lại, giao tiếp và tư duy.
Để giảm tác hại của rượu, tốt nhất là không uống hoặc uống rất ít. Một số loại thuốc tráng dạ dày (không phải thuốc giải rượu) có thể giúp hạn chế say xỉn bằng cách tạo lớp màng bảo vệ niêm mạc dạ dày, làm chậm quá trình hấp thụ rượu vào máu.
Không nên uống rượu khi đói vì dạ dày trống sẽ khiến nồng độ cồn trong máu tăng nhanh, dễ gây choáng. Nên uống từ từ, chậm rãi. Khi uống rượu mạnh, hãy pha loãng bằng cách uống thêm nước lọc, nước trái cây, nước súp hoặc ăn rau xanh để giảm kích ứng niêm mạc. Điều này cũng giúp gan có thời gian xử lý rượu, giảm nguy cơ say và ngộ độc. Bổ sung thực phẩm giàu protein khi uống rượu cũng giúp làm chậm quá trình hấp thụ rượu.
Nam giới không nên uống quá 720 ml bia, 300 ml rượu vang hoặc 60 ml rượu mạnh mỗi ngày. Đối với nữ giới, giới hạn là 360 ml bia, 150 ml rượu vang hoặc 30 ml rượu mạnh. Trẻ em và vị thành niên tuyệt đối không nên uống rượu bia. Hãy kiểm soát lượng uống ở mức an toàn nhất.