Các xét nghiệm chức năng thận cần thiết
Chức năng thận được đánh giá thông qua các xét nghiệm như urê máu, creatinine máu, công thức máu, điện giải đồ, tổng phân tích nước tiểu, siêu âm bụng.
BS.CKII Hồ Tấn Thông, khoa Nội thận - Lọc máu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết xét nghiệm chức năng thận nhằm đánh giá khả năng lọc máu, loại bỏ chất thải của thận. Điều này giúp bác sĩ phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của thận khi chưa biểu hiện triệu chứng lâm sàng để có phương án điều trị, chăm sóc phù hợp.
Các xét nghiệm chức năng thận cần thực hiện bao gồm:
Xét nghiệm công thức máu: Đây là xét nghiệm sức khỏe tổng quát nhằm phát hiện dấu hiệu sức khỏe bất thường như thiếu máu, nhiễm trùng, tăng hoặc giảm tiểu cầu, bệnh bạch cầu..., từ đó có cơ sở cho những xét nghiệm chuyên sâu hơn.
Xét nghiệm nitơ urê máu (BUN): Nitơ urê là chất thải của quá trình phân hủy protein trong thức ăn, được đào thải ra ngoài cơ thể thông qua quá trình lọc máu tại thận. Nồng độ nitơ urê máu cao cho thấy chức năng thận không tốt, tiềm ẩn khả năng suy thận. Mức nitơ urê máu bình thường ở nam giới trưởng thành khoảng 8-24 mg/dL, nữ giới là 6-21 mg/dL.
Xét nghiệm creatinin máu: Creatinin là sản phẩm cặn bã được đào thải duy nhất qua thận. Nồng độ creatinin trong máu tăng cao là dấu hiệu cho thấy chức năng thận hoạt động kém hiệu quả. Ở nam giới, mức creatinin máu bình thường dao động 0,7-1,2 mg/dL, còn ở nữ giới là 0,5-1 mg/dL.
Độ lọc cầu thận (eGFR): Xét nghiệm đánh giá chức năng lọc máu của thận. Kết quả được tính toán dựa trên nồng độ creatinin huyết thanh theo độ tuổi (giảm xuống khi về già), giới tính. Độ lọc cầu thận trên 90 ml/phút/1,73 m2 là bình thường, dưới 60 ml/phút/1,73 m2 cho thấy thận không khỏe mạnh, cần theo dõi điều trị. Nếu eGFR dưới 15 ml/phút/1,73 m2 da là dấu hiệu suy thận nghiêm trọng, cần điều trị lọc máu.
Xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu: Mẫu nước tiểu của người bệnh được thu thập để phân tích màu sắc, quan sát dưới kính hiển vi, que nhúng nhanh, nồng độ các chất trong nước tiểu. Xét nghiệm nhằm sàng lọc sớm hoặc theo dõi một số tình trạng sức khỏe thông thường hay chẩn đoán bệnh thận hoặc liên quan tới thận, bệnh đái tháo đường, nhiễm trùng đường tiết niệu, gan, huyết áp, tim mạch, nguy cơ mất nước...
Tỷ lệ microalbumin/creatinine niệu: Microalbumin niệu là lượng albumin (một loại protein có trong máu) rất nhỏ có trong nước tiểu mà các xét nghiệm nước tiểu thông thường không thể phát hiện ra. Mức microalbumin tăng cảnh báo chức năng thận gặp tổn thương. Ở người thường, tỷ lệ albumin/creatinine (ACR) thường dưới 30, từ 30 đến 300 có nghĩa albumin niệu tăng vừa phải, trên 300 cho thấy tăng nghiêm trọng. Người bệnh tiểu đường, cao huyết áp cần thực hiện xét nghiệm này để tầm soát nguy cơ mắc suy thận mạn.
Xét nghiệm điện giải đồ: Thận lọc thải các chất điện giải dư thừa qua nước tiểu, giúp cân bằng điện giải bên trong cơ thể. Các chất điện giải là các hóa chất tích điện (dương và âm) tham gia vào quá trình điều chỉnh hoạt động của cơ, thần kinh, nhịp tim cùng nhiều chức năng khác. Sự mất cân bằng các chất điện giải trong cơ thể cảnh báo chức năng thận không hiệu quả.
Siêu âm bụng: Đây là phương pháp chẩn đoán hình ảnh đơn giản nhằm phát hiện ra những bất thường của thận như thận ứ nước, khối u, sỏi thận... có thể ảnh hưởng chức năng thận nếu không phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
Ngoài những xét nghiệm trên, tùy trường hợp, bác sĩ chỉ định người bệnh thực hiện một số xét nghiệm khác như xạ hình thận, sinh thiết thận, chụp cộng hưởng từ (MRI) thận... Bên cạnh đó, tùy từng người, bác sĩ chỉ định tần suất kiểm tra chức năng thận định kỳ phù hợp.
Bác sĩ Thông khuyên người có biểu hiện phù tay chân, tiểu bọt lâu tan, dễ mệt mỏi, đau tức hông lưng dai dẳng, tăng huyết áp bất thường, có bệnh tiểu đường... sớm đến bệnh viện khám, làm các xét nghiệm phù hợp nhằm xác định nguyên nhân, điều trị kịp thời.