Các loại vitamin cải thiện rối loạn cương dương
Một số loại vitamin nhóm B, vitamin D và vitamin C có thể thúc đẩy tuần hoàn máu đến dương vật, hỗ trợ điều trị các triệu chứng rối loạn cương dương.
Vitamin B9
Thiếu hụt vitamin B9 (axit folic) có thể là yếu tố nguy cơ gây rối loạn cương dương (ED) do ảnh hưởng tới quá trình chuyển hóa oxit nitric.
Oxit nitric ra hiệu cho cơ trơn ở dương vật thư giãn, tạo điều kiện cho lưu lượng máu tăng lên để cương cứng. Chất này được sản xuất trong lớp tế bào nội mô bao phủ cơ trơn. Thiếu hụt axit folic góp phần gây ra rối loạn chức năng nội mô, dẫn đến rối loạn cương.
Về mặt lý thuyết, bổ sung axit folic có thể làm giảm nồng độ homocysteine (loại axit amin ức chế sản xuất oxit nitric) và tăng oxit nitric, giúp tăng khả năng và duy trì sự cương cứng. Thực phẩm giàu vitamin B9 bao gồm măng tây, quả bơ, chuối, đu đủ, gan bò, súp lơ xanh, trái cây họ cam quýt, trứng, rau lá xanh, các loại ngũ cốc và đậu.
Vitamin D
Mức vitamin D trong cơ thể thấp có thể làm tăng nguy cơ rối loạn cương dương bởi thúc đẩy rối loạn chức năng nội mô. Thiếu hụt vitamin D cũng liên quan đến một số tình trạng là yếu tố nguy cơ gây rối loạn cương chẳng hạn bệnh đa xơ cứng (bệnh tự miễn tấn công lớp phủ của dây thần kinh), trầm cảm, tiểu đường type 2, bệnh tim và ung thư.
Cơ thể tạo ra vitamin D từ việc da tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời. Thiếu vitamin D có thể xảy ra vào những tháng mùa thu và mùa đông ít nắng. Nam giới có thể uống thực phẩm bổ sung và ăn thực phẩm giàu vitamin D như các loại cá béo (cá hồi, cá mòi, cá trích và cá thu), thịt đỏ, gan, lòng đỏ trứng.
Nam giới bị rối loạn cương nên cân nhắc xét nghiệm máu để đánh giá mức vitamin D. Tuy nhiên, chỉ tăng lượng vitamin D hấp thụ không thể điều trị khỏi rối loạn cương. Trên thực tế, có một số trường hợp gây ra hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng rối loạn cương dương.
Magiê là khoáng chất cần thiết để chuyển đổi vitamin D thành dạng hoạt động trong cơ thể. Nếu bổ sung vitamin D mà không bổ sung magiê có thể gây ra thiếu magiê, góp phần dẫn tới rối loạn cương dương. Lượng magiê thấp khiến tĩnh mạch dương vật không thể thư giãn để bơm máu tạo ra cương cứng. Nam giới nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng trước khi bắt đầu dùng bất kỳ vitamin và thực phẩm bổ sung không kê đơn.
Vitamin B3
Xơ vữa động mạch (tích tụ mảng bám trên thành động mạch) làm giảm lưu lượng máu đi khắp cơ thể. Các mạch máu cứng và hẹp khiến máu khó chảy vào dương vật trước khi giao hợp. Vitamin B3 (niacin) có thể giảm tình trạng này bằng cách cải thiện cả mức cholesterol và lipid, vốn có liên quan đến xơ vữa động mạch.
Một nghiên cứu nhỏ năm 2011 tại Trung Quốc trên 160 người gặp tình trạng này cho thấy liều vitamin B3 hằng ngày cải thiện chức năng cương dương ở người có cholesterol cao. Một nghiên cứu tại Mỹ năm 2023 trên hơn 3.000 người cho thấy những người dùng lượng niacin cao nhất có nguy cơ rối loạn cương dương thấp hơn so với những người dùng lượng niacin thấp nhất. Tuy nhiên, các tác giả lưu ý rằng cần nghiên cứu thêm về ngưỡng an toàn của lượng niacin hấp thụ để ngăn ngừa tình trạng này.
Thực phẩm giàu vitamin B3 bao gồm gan bò, bánh mì, ức gà, ngũ cốc ăn sáng, thịt lợn, khoai tây, cá hồi, sữa đậu nành, cá ngừ, gà tây...
Vitamin C
Không có bằng chứng nào cho thấy thực phẩm bổ sung vitamin C có thể cải thiện rối loạn cương dương, nhưng vitamin này hỗ trợ cơ chế sinh hóa giải phóng oxit nitric. Vitamin C cũng đã được chứng minh là làm tăng mức testosterone và thúc đẩy lưu thông máu. Cam, ớt, kiwi, ổi, dâu tây, súp lơ xanh, dưa lưới, cà chua, khoai tây giàu vitamin này.
Vitamin B12
Nồng độ homocysteine tăng cao có liên quan đến rối loạn cương dương. Vitamin B12 đóng vai trò trong quá trình chuyển hóa homocysteine. Thiếu vitamin này cũng có thể là yếu tố gây rối loạn.
Bổ sung đủ vitamin B12 rất quan trọng đối với máu, chức năng tế bào và chức năng hệ thần kinh. Thực phẩm giàu vitamin B12 bao gồm sữa, sữa chua, phô mai, thịt nạc, cá, ngũ cốc ăn liền, trứng, thịt gia cầm.