Bộ Y tế lo 'chảy máu' dược liệu
Việt Nam ghi nhận trên 5.000 dược liệu, song chỉ tự cung cấp 20% nguyên liệu phục vụ sản xuất thuốc trong nước, còn lại phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.
Thông tin được ông Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho biết tại buổi gặp mặt báo chí cung cấp thông tin về Hội chợ dược liệu, y dược cổ truyền và các sản phẩm từ dược liệu toàn quốc lần thứ hai năm 2024. Hội chợ này sẽ diễn ra từ ngày 21-23/11 tới tại Trung tâm Hội chợ và triển lãm Sài Gòn, TPHCM, do Bộ Y tế chủ trì và phối hợp các đơn vị tổ chức.
"Việt Nam xuất khẩu được bao nhiêu tấn dược liệu thì cũng nhập khẩu về tương đương", ông Thịnh nói, thêm rằng đây cũng là nỗi lo về tình trạng "chảy máu dược liệu".
Thống kê của Viện Dược liệu cho thấy Việt Nam đã ghi nhận trên 5.000 loài thực vật và nấm, 408 loài động vật và 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc. Trong đó có nhiều loại dược liệu quý về công dụng chữa bệnh lẫn giá trị về mặt kinh tế. Hiện, có khoảng 40% bệnh nhân ở tuyến y tế cơ sở, 20% bệnh nhân ở tuyến tỉnh và 10% bệnh nhân ở tuyến trung ương được điều trị bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền.
Song, Việt Nam mới chỉ tự cung cấp được khoảng 20% nguyên liệu để phục vụ sản xuất thuốc trong nước, còn lại vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, chủ yếu là Trung Quốc, Ấn Độ.
TS Trần Minh Ngọc, Cục Quản lý y, dược cổ truyền, cũng đánh giá nước ta có hàng nghìn loài cây dược liệu có tác dụng và công dụng chăm sóc bảo vệ sức khỏe, chủ yếu sử dụng ở lĩnh vực là thuốc, thực phẩm và hóa mỹ phẩm. Đây là nguồn tài nguyên rất phong phú, tuy nhiên chưa phát huy được tối đa công dụng của nguồn tài nguyên này.
Y học cổ truyền đa phần tham gia vào điều trị các bệnh lý mãn tính, cơ xương khớp, một số bệnh lý khác. Hiện nay một số bệnh viện đã triển khai ứng dụng y học cổ truyền trong chăm sóc giảm nhẹ bệnh ung thư, điều trị đái tháo đường, rối loạn lipid máu..., bước đầu triển khai cho kết quả tốt.
Các chuyên gia cho rằng ngành dược trong nước, thực tế vẫn tập trung chủ yếu trong khâu bào chế, gia công thuốc trên cơ sở nguyên liệu nhập. Thuốc sản xuất trong nước chủ yếu là các thuốc phổ thông có giá trị thấp, khả năng cạnh tranh kém. Hiện cả nước có trên 200 cơ sở sản xuất dược liệu, thuốc cổ truyền, trên 1.400 cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, quy mô cũng như trình độ sản xuất còn nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết. Thiếu quy hoạch bài bản đang đẩy ngành dược liệu trong nước vào thế khó và để tuột mất cơ hội phát triển.
Hiện, ngành dược Việt Nam đang được xem là ngành công nghiệp mũi nhọn cần tập trung nguồn lực để đẩy mạnh phát triển. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực. Để dược liệu trở thành thế mạnh, Bộ Y tế quy hoạch nhiều vùng trồng dược liệu quy mô lớn. Khai thác các vùng có lợi thế về điều kiện tự nhiên, thích hợp với sinh trưởng và phát triển của cây thuốc, phù hợp với nguồn nhân lực có năng lực.