Biến chứng gây tàn phế ở người chạy thận nhân tạo
Rối loạn chuyển hóa xương là biến chứng muộn và nặng ở bệnh nhân chạy thận nhân tạo gây ngứa loét da, đau nhức gãy xương, nhồi máu cơ tim, suy tim.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi PGS.TS.BS Nguyễn Bách, BS Trần Nữ Thùy, Khoa Thận Nhân tạo, Bệnh viện Thống Nhất.
Ở bệnh nhân trẻ tuổi, mức độ rối loạn chuyển hóa xương thường nặng hơn, dễ dẫn đến tàn tật suốt đời. Các biến chứng này khi đã xảy ra thì khó điều trị khỏi hẳn nhưng có thể dự phòng được nếu được chẩn đoán sớm nhờ xét nghiệm máu gồm canxi, phosphat, hormone tuyến cận giáp (PTH).
Các biểu hiện thường gặp
- Ngứa toàn thân. Cào gãi làm tăng nguy cơ nhiễm trùng da, chảy máu, áp xe.... Thuốc giảm ngứa không giúp giảm triệu chứng và không thể sử dụng lâu dài.
- Các cơn chuột rút đau đớn, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, nguy cơ té ngã đối với người lớn tuổi.
- Da sậm màu hơn, viêm da, sẹo do gãi, cấu.
- Đau xương dai dẳng, xương giòn dễ gãy, thậm chí ngồi đứng dậy hấp tấp cũng có thể gãy. Gãy khó liền xương, mổ kết hợp xương khó, nguy cơ phẫu thuật cao.
- Đau nhức khớp, thoái hóa khớp, vôi hóa dây chằng, hội chứng ống cổ tay...
- Tổn thương mạch máu gây nhồi máu cơ tim, suy tim, tăng huyết áp kháng trị, tai biến mạch máu não, tắc mạch chi dẫn đến đoạn chi...
Phòng ngừa
Cần phối hợp nhiều phương pháp bao gồm:
- Bệnh nhân chạy thận nhân tạo và lọc màng bụng cần được xét nghiệm định kỳ canxi, phosphat, PTH mỗi 3-6 tháng để chẩn đoán sớm biến chứng khi chưa có biểu hiện lâm sàng.
- Hạn chế thức ăn giàu phosphat. Kiêng thực phẩm chứa nhiều phospho, đặc biệt thực phẩm chế biến sẵn như mì gói, xúc xích, thịt xông khói, nước ngọt có gas... Nên dùng loại sữa dành cho người lọc máu.
- Sử dụng các thuốc giúp hạ phosphat máu, chứa canxi, vitamin D, thuốc gắn kết phosphate. Các thuốc này cần bác sĩ chuyên khoa thận kê đơn và điều chỉnh liều tùy theo kết quả xét nghiệm. Thuốc cần điều trị dài ngày, giai đoạn sớm, có chi phí cao và chưa được bảo hiểm thanh toán.
- Lọc máu đầy đủ và đảm bảo chất lượng là điều quan trọng nhất. Đảm bảo thời gian lọc, số lần lọc mỗi tuần, cầu nối tốt, đặc biệt là sử dụng loại màng lọc tốt.
- Nếu các điều trị như trên không đáp ứng và xét nghiệm xấu, bệnh nhân cần phẫu thuật cắt tuyến cận giáp. Tuyến cận giáp gồm có 4 tuyến nhỏ nằm sau tuyến giáp ở vùng cổ chịu trách nhiệm điều hòa nồng độ canxi - phospho, kích thước rất nhỏ, cỡ hạt đậu, không sờ thấy được.