Biến chứng bàn chân tiểu đường mà không biết
TP HCMNhiều người bệnh tiểu đường bị xước, lở loét chân nhưng mất cảm giác, không cảm nhận được cơn đau đến khi nhiễm trùng nặng thì đã muộn.
Ngày 28/8, BS.CKII Trương Thị Vành Khuyên, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết thông tin trên, thêm rằng trong số bệnh nhân tiểu đường nhập viện vì nhiễm trùng chân, có gần 50% trường hợp giảm hoặc mất cảm giác ở bàn chân do biến chứng thần kinh tiểu đường.
Khi giẫm gai, xương, mảnh thủy tinh, bị trầy xước, côn trùng cắn..., người bệnh không cảm nhận được ngay tổn thương, dẫn đến phát hiện muộn, điều trị trễ. Biến chứng thần kinh còn làm tăng nguy cơ biến dạng chân, vết chai, loét chân, hoại tử bàn chân, tăng nguy cơ nhiễm trùng nặng phải cắt cụt.
Như bà Huyền, 64 tuổi, ngụ Bình Dương, bị tiểu đường hơn 10 năm, thường xuyên tê chân. Cách đây vài ngày, ngón áp út chân trái sưng đỏ nhưng bà không cảm giác đau, uống kháng sinh không lành. Vết thương sưng đỏ lan ra cả bàn chân, ngón chân áp út chuyển qua màu đen, rỉ mủ, bà đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM kiểm tra.
Bác sĩ chẩn đoán bà nhiễm trùng bàn chân tiểu đường, có thể do trầy xước hay dẫm phải gai, nhưng bàn chân bị mất cảm giác nên không nhận biết sớm dẫn đến hoại tử ngón chân. Bà được cắt lọc mô hoại tử, chăm sóc giữ lại bàn chân nguyên vẹn.
Theo bác sĩ Khuyên, người bình thường có vết thương tương tự sẽ rất đau đớn, song với bà Huyền, khi được cắt lọc những mô hoại tử sâu vẫn không cảm nhận cơn đau. Nguyên nhân là do bà bị bệnh tiểu đường lâu năm nhưng kiểm soát kém dẫn đến biến chứng thần kinh gây mất cảm giác. Sau hơn hai tuần điều trị, bàn chân dần ổn định, bà được xuất viện.
Còn bà Thảo, 57 tuổi, ngụ Sóc Trăng, bệnh tiểu đường type 2, mới đây giẫm phải mảnh chai nhưng không thấy đau nên không đi khám. Một tuần sau bàn chân nhiễm trùng, hoại tử hai ngón, bác sĩ chỉ định cắt hai ngón này do nhiễm trùng mô sâu kèm mạch máu chân xơ vữa nhiều, mất cơ hội chữa lành.
Bệnh đa dây thần kinh đối xứng ngọn chi do tiểu đường là dạng biến chứng thần kinh ngoại biên phổ biến nhất ở người tiểu đường, theo bác sĩ Khuyên. Tỷ lệ mắc bệnh thần kinh ngoại biên tăng lên theo thời gian mắc bệnh tiểu đường. Đau chi, tê và dị cảm hai chi là những biểu hiện lâm sàng thường gặp nhất của biến chứng thần kinh ngoại biên. Nặng hơn, người bệnh có thể bị lở loét bàn chân, phải cắt cụt chi.
Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh của bệnh thần kinh tiểu đường vẫn chưa được xác định. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ gồm tăng đường huyết, rối loạn chuyển hóa lipid, bất thường trong dẫn truyền tín hiệu thần kinh. Triệu chứng của biến chứng thần kinh tiểu đường lên bàn chân như tê, châm chích, ngứa ran ở chân, đau khi đi, giảm đau khi nghỉ ngơi, đi rơi dép không biết, teo cơ ở chân và tay, yếu cơ...
Để phòng biến chứng, người tiểu đường cần kiểm soát tốt đường huyết. Khi phát hiện các bất thường, người bệnh cần đến bác sĩ Nội tiết - Đái tháo đường để được khám, tầm soát biến chứng bàn chân tiểu đường, ít nhất hai lần một năm. Người bệnh đã bị biến chứng này cần tuân theo các chỉ định theo dõi và điều trị của bác sĩ.