Bị rết cắn có nên tiêm vaccine uốn ván?
Tôi bị rết cắn vào tay chảy máu, có cần tiêm vaccine uốn ván không? (Huy Hậu, 30 tuổi, TP Thủ Đức, TP HCM)
Trả lời:
Rết là động vật chân đốt có nọc độc săn mồi, thích ở những nơi tăm tối và ẩm ướt như cống rãnh, rừng, vườn, gỗ mục, đá, chậu hoa, tầng hầm, dưới nước... Con vật hung dữ, dễ tấn công người nếu bị chạm phải. Nếu không may bị cắn, trường hợp nhẹ có thể bị dị ứng da, sưng, nóng, đỏ và đau tại chỗ cắn hoặc một số ít có thể bị sốc phản vệ, tử vong.
Hơn nữa, miệng rết có thể mang vi khuẩn uốn ván, lây cho người qua vết cắn hoặc vết thương không được xử lý đúng cách. Gần đây, các bệnh viện cũng cấp cứu nhiều trường hợp bị rết cắn khi đang dọn dẹp hoặc ngủ. Các trường hợp đều được tiêm phòng ngừa uốn ván.
Vì vậy, bạn cần xử lý vết thương bằng cách rửa sạch với xà phòng và nước sạch, chườm lạnh tại chỗ để giúp giảm đau và sưng, không bôi hoặc đắp các loại thuốc khi không có hướng dẫn của bác sĩ. Sau đó, bạn nên đến cơ sở y tế để được chăm sóc vết thương, uống thuốc hợp lý và tư vấn tiêm vaccine uốn ván.
Hiện Việt Nam có nhiều loại vaccine uốn ván đơn và phối hợp, lịch tiêm các mũi căn cứ theo độ tuổi và tiền sử chủng ngừa. Nếu trước đó bạn chưa tiêm hoặc không rõ lịch sử tiêm chủng cần ngừa uốn ván theo phác đồ 3 mũi, tiêm nhắc 10 năm/lần.
Ngoài tiêm vaccine, mọi người cần đề phòng ngừa nguy cơ rết cắn bằng cách dọn dẹp các vật dụng trong nhà như thảm, chổi, đồ gỗ cũ, vải ướt hoặc kê lên cao... nhằm tránh rết làm tổ; tổng vệ sinh nhà, khu vực xung quanh, lấp kín cống rãnh để ngăn chặn rết bò lên. Gia đình giám sát trẻ nhỏ, tránh cho bé chơi đùa những nơi ẩm thấp, nhiều đồ đạc, gạch mục, ngói cũ dễ bị rết cắn.