Bị ngực phì đại tầm soát ung thư thế nào?
Tôi có bầu ngực to, sinh con xong ngực chảy xệ, gần đây xuất hiện cục cứng. Tôi muốn đi tầm soát ung thư, người có ngực lớn như tôi tầm soát có được không? (Mỹ Duyên, Bình Định)
Trả lời
Ngực to bất thường như bạn có thể là phì đại tuyến vú. Phì đại tuyến vú là tình trạng sợi mô tuyến vú phát triển to nhanh và nặng vượt quá mức bình thường, tức lớn hơn 3% trọng lượng cơ thể. Ngực phì đại có thể xảy ra một bên hoặc cả hai bên ngực. Chẳng hạn một người nặng 50 kg, tuyến vú nặng ít nhất 1,5 kg là ngực phì đại.
Phần lớn phì đại tuyến vú là lành tính cũng không làm tăng nguy cơ ung thư. Tuy nhiên, phụ nữ có ngực phì đại như bạn khi kiểm tra ngực tại nhà hay tầm soát ung thư bằng siêu âm, chụp nhũ ảnh, MRI thường gặp khó khăn, dễ bỏ sót bất thường.
Siêu âm là phương tiện sử dụng sóng âm tần số cao đi xuyên qua ngực, phản âm từ các mô tạo nên hình ảnh, cấu trúc bên trong ngực. Khi siêu âm trên ngực phì đại, tuyến vú tràn sang hai bên. Trong quá trình khảo sát, bác sĩ cho bệnh nhân nghiêng qua nghiêng lại từ từ để kiểm tra đủ các mô tuyến vú.
Đối với nhũ ảnh, tuyến vú phì đại được đặt lên bàn ép nhũ ảnh có thể vượt quá giới hạn của bàn ép. Bác sĩ khắc phục bằng cách ép hai lần, sau đó nối hình ảnh với nhau.
Với cộng hưởng từ, người bệnh nằm ở tư thế nằm sấp trên mặt phẳng chuyên dụng có khoét hai lỗ tròn để thả ngực rơi tự do vào trong. Nếu tuyến vú phì đại quá lớn sẽ không nằm trọn trong lỗ, đôi khi không đưa được hết tuyến vú vào lỗ. Trường hợp đưa vào được thì tuyến vú cũng không rơi tự do. Thể tích ngực quá lớn khiến ngực bị thụng, dồn nén hai bên khiến khảo sát hạn chế.
Dù kích thước ngực lớn hay nhỏ, có phì đại hay không, phụ nữ đều nên kiểm tra định kỳ, chụp nhũ ảnh theo chỉ định của bác sĩ. Duy trì cân nặng khỏe mạnh, tập thể dục thường xuyên, ăn uống, sinh hoạt lành mạnh giúp nâng cao sức khỏe tổng thể, giảm nguy cơ ung thư vú. Phụ nữ có tuyến vú phì đại nên tầm soát thường xuyên để không bỏ lỡ cơ hội phát hiện sớm tổn thương.
Hiệp hội Ung thư Mỹ khuyến cáo phụ nữ trên 40 tuổi không có yếu tố nguy cơ cao tầm soát bằng nhũ ảnh định kỳ hàng năm. Riêng với phụ nữ châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, do đặc điểm mô ngực đặc nên bác sĩ kết hợp siêu âm tuyến vú kèm theo nhũ ảnh để phát hiện được tổn thương cao nhất. Nhóm phụ nữ dưới 30 tuổi, có yếu tố nguy cơ cao, cần tầm soát bằng cách siêu âm tuyến vú.