Bị đái tháo đường ăn hải sản được không?
Tôi mắc bệnh đái tháo đường type 2, ăn hải sản mỗi ngày có hỗ trợ giảm đường huyết được không, cần lưu ý gì? (Hoàng Thông, Vũng Tàu)
Trả lời:
Người bệnh đái tháo đường có thể ăn hải sản mỗi ngày để bổ sung đạm cho cơ thể, giảm nguy cơ tăng đường huyết đột ngột sau bữa ăn. Chỉ số đường huyết (GI) và tải lượng đường huyết (GL) của hầu hết hải sản thường thấp hơn một số nguồn cung cấp đạm khác như đậu, thịt gia súc hoặc gia cầm. Ví dụ, hải sản giáp xác (tôm, cua, ghẹ) có chỉ số đường huyết bằng 5 và tải lượng đường huyết là 0,1. Chỉ số đường huyết, tải lượng đường huyết của các loại cá béo (cá hồi, cá thu, cá trích, cá mòi) đều là 0. Trong khi tải lượng đường huyết từ 20 trở lên có thể khiến nồng độ glucose trong máu tăng quá cao.
Hải sản thường giàu đạm, ăn quá nhiều trong thời gian dài có thể ảnh hưởng bất lợi cho thận. Người bệnh thận kèm đái tháo đường (có albumin niệu hoặc giảm tỷ lệ lọc cầu thận) không nên ăn quá 0,8 g đạm/kg/ngày.
Một số loại hải sản cũng có nguy cơ gây dị ứng, sốc phản vệ. Mức độ nặng hoặc biến chứng bệnh đái tháo đường khác nhau tùy vào cơ địa từng người, các bệnh nền. Để đảm bảo an toàn, người bệnh đái tháo đường như anh nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa nội tiết hoặc dinh dưỡng để biết được chủng loại, hàm lượng, số lần có thể ăn hải sản mỗi tuần phù hợp.
Ăn hải sản với hàm lượng vừa phải giúp người bệnh đái tháo đường điều hòa đường huyết, cải thiện sức đề kháng, tăng cường sức khỏe tổng thể. Nguồn đạm dồi dào trong hải sản tạo cảm giác no lâu hơn, giảm thèm ăn vặt, góp phần kiểm soát mức đường huyết ổn định.
Nhiều loại hải sản, nhất là cá béo còn chứa hàm lượng cao axit béo bão hòa đa omega-3, tác dụng chống oxy hóa, giảm tình trạng viêm do bệnh đái tháo đường gây ra. Omega-3 trong cá béo còn góp phần ngăn chặn biến chứng tim mạch do bệnh đái tháo đường, bằng cách ức chế hấp thụ cholesterol xấu, chất béo trung tính, tăng hấp thụ cholesterol tốt. Từ đó, cải thiện tình trạng mỡ máu cao, hạn chế mảng bám gây xơ vữa động động, giảm hình thành huyết khối gây nguy cơ tắc nghẽn mạch máu.
Hải sản cũng giàu các loại vitamin (A, B, D, E) và khoáng chất (kẽm, sắt, selenium, iốt, magie, canxi). Chúng giúp nâng cao sức khỏe tổng thể và tăng cường hệ miễn dịch, chống lại sự tấn công của các gốc tự do - tác nhân gây phản ứng oxy hóa gây hại tế bào. Chúng hỗ trợ điều hòa mức đường huyết, góp phần cải thiện bệnh đái tháo đường.
Hải sản thường ít chất xơ. Người bệnh nên kết hợp ăn hải sản với rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu. Chất xơ góp phần trì hoãn sự hấp thu glucose vào máu, hỗ trợ duy trì đường huyết ổn định. Bổ sung thêm chất béo tốt (dầu ô liu, dầu đậu nành, hạt hướng dương, hạt óc chó) giúp tăng cường khả năng kháng viêm, bảo vệ tim mạch, hạn chế nguy cơ bệnh đái tháo đường tăng nặng hoặc biến chứng.
Người bệnh nên thường xuyên kiểm tra đường huyết, tái khám định kỳ, dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Hạn chế tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều đường, muối, chất béo bão hòa, thực phẩm tái, sống. Kiểm soát cân nặng, không để thừa cân, béo phì. Người bệnh cũng nên đi khám dinh dưỡng, đo thành phần cơ thể, xét nghiệm vi chất để xác định cơ thể đang thiếu hay thừa dưỡng chất nào. Từ đó, bác sĩ tư vấn chế độ ăn uống phù hợp với nhu cầu cơ thể.