Béo phì - thủ phạm gây hơn 200 bệnh
Mỡ nội tạng tích tụ làm tăng tình trạng viêm và kháng insulin, người béo phì có nguy cơ mắc hơn 200 bệnh như tim mạch, gan nhiễm mỡ, đái tháo đường, đột quỵ.
Ngày 25/10, BS.CKII Trương Thị Vành Khuyên, Đơn vị Nội tiết - Đái tháo đường, Trung tâm Giảm cân Tâm Anh, cho biết thông tin trên, thêm rằng béo phì do nhiều nguyên nhân như mắc bệnh lý, rối loạn nội tiết, lối sống và dinh dưỡng kém lành mạnh, gặp vấn đề tâm lý.
"Béo phì cũng là thủ phạm gây ra hơn 200 bệnh khác nhau", bác sĩ Khuyên nói, giải thích mô mỡ có thành phần chủ yếu là tế bào mỡ xuất hiện khắp nơi như dưới da, trong các cơ quan nội tạng (mỡ nội tạng), trong các khoang xương (mỡ tủy xương). Mô mỡ dư thừa làm tăng tình trạng viêm toàn thân, dẫn đến đề kháng insulin, rối loạn chuyển hóa, xơ vữa động mạch, suy giảm khả năng miễn dịch, gây thừa cân, béo phì. Người béo phì nhiều mỡ bụng, nồng độ triglyceride trong máu cao, tiền sử gia đình bị bệnh tim mạch, tiểu đường type 2... thì nguy cơ bệnh tật cao hơn bình thường.
Tim mạch là bệnh lý thường gặp ở người béo phì. 65-78% trường hợp béo phì, thừa cân bị tăng huyết áp nguyên phát, tức không xác định được nguyên nhân, theo bác sĩ Khuyên. Một số nghiên cứu cho thấy tăng huyết áp có liên quan đến dư thừa mỡ trong cơ thể kích thích, ảnh hưởng đến hệ thống hệ Renin - Angiotensin - Aldosterone. Đây là hệ thống hormone điều chỉnh huyết áp, cân bằng điện giải, gây kháng insulin, thay đổi về cấu trúc chức năng thận. Tăng huyết áp và cholesterol cao là yếu tố nguy cơ gây bệnh tim, đột quỵ.
Cấu trúc và chức năng của tim cũng có thể bị ảnh hưởng khi quá nhiều mỡ nội tạng. Dư thừa mỡ, rối loạn đường huyết lâu ngày gây xơ vữa mạch máu. Nhiều loại hormone do mô mỡ tiết có thể dẫn đến trạng thái tiền viêm và tiền huyết khối, tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành, suy tim, đột tử. "Người có cân nặng bình thường nhưng lượng mỡ nội tạng quá nhiều cũng có nguy cơ", bác sĩ Khuyên nói.
Gan cũng là bệnh thường gặp ở người béo phì, do nồng độ triglyceride và axit béo tự do trong máu tăng. Tích tụ mỡ trong gan dẫn đến rối loạn chức năng của mô mỡ, làm suy yếu quá trình sản xuất adipocytokine, thúc đẩy gia tăng các cytokine tiền viêm, lâu ngày gan nhiễm mỡ.
Người béo phì thường bị rối loạn chuyển hóa lipid, khiến cơ thể khó sử dụng và chuyển hóa chất béo. Khi gan không thể thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này, mỡ tích trữ trong tế bào gan, làm tăng nguy cơ gan nhiễm mỡ. Nếu không điều trị tích cực, người bệnh có thể bị viêm gan, xơ gan không phục hồi, ung thư gan.
Sự tích tụ mỡ trong cơ thể còn ảnh hưởng đến nội tiết tố, gây ra một loạt các bất thường về chuyển hóa và bệnh tật, bao gồm kháng insulin, tăng hoặc giảm đường huyết, rối loạn chức năng tế bào β (trong đó có tế bào beta tuyến tụy có chức năng tiết insulin)... Chính những yếu tố trên làm phát triển các bệnh nội tiết, điển hình là tiểu đường type 2 ở người thừa cân, béo phì.
Ngoài ra, bệnh cơ xương khớp xảy ra do mỡ thừa làm tăng tải trọng lên khớp, thay đổi thành phần cơ thể, tăng adipokine (các cytokine được sản xuất ở tế bào mô mỡ) gây viêm trong hệ tuần hoàn toàn thân. Béo phì cũng kích hoạt quá trình xơ hóa ở các cơ quan và mô khác nhau, bao gồm những cơ quan, mô liên quan đến khớp, có thể phát triển thoái hóa khớp.
Những cơ chế gây viêm, kháng insulin ở người thừa cân là yếu tố gây ngưng thở khi ngủ, trào ngược dạ dày thực quản, trầm cảm, hội chứng buồng trứng đa nang, ung thư...
"Điều trị thừa cân, béo phì không chỉ giúp giảm cân đơn thuần mà còn hỗ trợ giảm mỡ nội tạng, đẩy lùi nhiều bệnh", bác sĩ Khuyên nói, thêm rằng giảm 5-15% cân nặng trong khoảng 6 tháng mang lại nhiều lợi ích, phòng biến chứng do thừa cân, béo phì. Người có BMI lớn hơn 35 kg/m2 có thể cân nhắc giảm 20% trọng lượng cơ thể để sức khỏe tốt hơn.
Bác sĩ Khuyên khuyến cáo người béo phì nên đi khám ở cơ sở chuyên điều trị bệnh này. Bác sĩ sẽ tư vấn vận động đơn giản, dinh dưỡng hợp lý, giảm cân an toàn, hiệu quả. Người bệnh béo phì giảm cân thành công cần tái khám thường xuyên để ngăn ngừa tăng cân trở lại đồng thời kiểm soát các bệnh nền.