Bệnh nhân thận mạn ở Việt Nam tăng
Tỷ lệ bệnh thận mạn ở Việt Nam đang ở mức cao nhất châu Á - Thái Bình Dương, tăng gánh nặng lên hệ thống y tế, nhiều người phải chật vật tìm chỗ chạy thận.
"Số bệnh nhân thận mạn ngày càng tăng là gánh nặng lớn về bệnh tật, kinh tế của gia đình người bệnh cũng như của cả xã hội", GS.TS.BS Nguyễn Lân Việt, Phó chủ tịch thường trực Hội Tim mạch học Việt Nam, nói tại hội thảo mới đây về điều trị bệnh thận mạn ở TP HCM.
Bệnh thận mạn thường gây ra chủ yếu bởi đái tháo đường và tăng huyết áp. Bệnh tiến triển âm thầm và không có triệu chứng rõ ràng cho đến khi tình trạng trở nên nghiêm trọng. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh thận mạn có xu hướng tăng, đứng thứ 8 trên 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.
Các thống kê gần đây cho thấy nước ta có hơn 8,7 triệu người mắc bệnh thận mạn, chiếm 12,8% số người trưởng thành. Số ca mắc mới mỗi năm lên đến 8.000 và số bệnh nhân cần điều trị lọc máu do tiến triển của bệnh thận mạn, lên đến khoảng 800.000 người. Trong khi thống kê từ Hội lọc máu Việt Nam năm 2020, cả nước có trên 5.000 máy lọc thận. Con số này nghĩa là số lượng máy chỉ đáp ứng gần 30% nhu cầu.
Thực tế này dẫn đến tình trạng quá tải về các biện pháp lọc thận trong bệnh viện. Gần đây, nhiều bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối ở TP HCM phải chật vật tìm chỗ chạy thận, bởi lượng bệnh ngày càng tăng, các bệnh viện không thể đáp ứng toàn bộ. Tình trạng xảy ra tương tự tại các bệnh viện khu vực phía Bắc. Bệnh nhân bị gián đoạn chạy thận sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm, nhanh chóng diễn tiến nặng hơn, ảnh hưởng tính mạng.
Chi phí cho điều trị bệnh thận mạn và lọc máu đang chiếm 2-8% ngân sách y tế mỗi năm. Trong đó, chi phí y tế cho lọc máu cao gấp 3 lần so với chi phí quản lý bệnh thận mạn ở giai đoạn sớm. Dù được điều trị nhưng bệnh nhân thận mạn thường đối mặt với các hậu quả nghiêm trọng, bao gồm biến cố tim mạch, suy tim, tử vong hoặc tiến triển đến bệnh thận giai đoạn cuối, phải chạy thận hoặc ghép thận.
Theo giáo sư Việt, việc chẩn đoán và can thiệp điều trị ở bệnh nhân nước ta còn khá muộn. Do đó, bệnh tiến triển nhanh chóng và chức năng thận ngày càng xấu đi. Thực tế, bệnh thận mạn thường không có hoặc có khá ít các triệu chứng trong giai đoạn đầu nên thường bị bỏ sót. Một số khảo sát gần đây cho thấy hơn 80% bệnh nhân đái tháo đường, tăng huyết áp - những người có nguy cơ cao, chưa được thực hiện các xét nghiệm tầm soát để chẩn đoán bệnh thận mạn theo đúng khuyến cáo.
Các bệnh lý tim mạch - thận - chuyển hóa có mối quan hệ mật thiết với nhau, thường tồn tại đồng thời và có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh lý còn lại. Cụ thể, hơn 60% bệnh nhân bệnh thận mạn có bệnh lý tim mạch; 30-40% ca suy tim và 40% ca đái tháo đường có bệnh thận mạn... "Việc điều trị bệnh thận mạn sẽ không phải cho một bệnh lý riêng lẻ mà cần phải điều trị và bảo vệ đồng thời trên cả 3 bệnh trên", giáo sư Việt nói.
GS.BS Michel Jadoul, chuyên gia thận học tại Bệnh viện Đại học Saint-Luc, Brussels (Bỉ), nhận định việc tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh thận mạn là yếu tố then chốt giúp làm chậm tiến triển của bệnh. Để giảm thiểu các biến chứng và phát hiện kịp thời bệnh, cần tập trung sàng lọc ở các nhóm nguy cơ cao như người mắc đái tháo đường, tăng huyết áp, có tiền sử bệnh lý tim mạch, rối loạn chuyển hóa lipid, người trên 60 tuổi, người hút thuốc lá hoặc có tiền sử gia đình mắc bệnh thận mạn...
Khám sức khỏe định kỳ mỗi năm một lần. Đi khám ngay khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe. Để phòng ngừa bệnh thận, cần uống nhiều nước, nên khởi đầu ngày mới với cốc nước 300 ml, ngay từ lúc ngủ dậy, giúp thanh lọc cơ thể. Ăn uống lành mạnh, hạn chế ăn mặn. Tăng cường vận động thể lực. Tránh chất kích thích, không hút thuốc lá, hạn chế bia rượu.
Kiểm soát tốt các bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường. Không ít người mắc những bệnh này nhưng không tuân thủ điều trị của bác sĩ, do thấy bản thân vẫn khỏe, dẫn đến biến chứng suy thận. Cẩn trọng khi dùng thuốc, đặc biệt là các thuốc giảm đau, thuốc đông y, thực phẩm chức năng không hợp lý...