Bệnh mùa lạnh có triệu chứng tương tự cúm
HPMV, sởi, viêm phổi do phế cầu, não mô cầu đều có triệu chứng ban đầu tương tự cúm, biến chứng khi điều trị sai cách, cần chủ động phòng ngừa.
BS.CKI Nguyễn Lê Nga, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết các bệnh truyền nhiễm lây truyền qua đường hô hấp có một số triệu chứng ban đầu tương tự cúm như gây ho, sốt... Một số bệnh có thể tự khỏi, một số khác có thể dẫn đến biến chứng nặng và cần chủ động phòng ngừa bằng vaccine.
HMPV
Từ đầu tháng 1, Trung Quốc và Ấn Độ ghi nhận số ca nhiễm virus HMPV tăng cao. Nhiều người lo ngại virus có thể lan rộng khi chưa có vaccine hoặc phương pháp điều trị đặc hiệu.
Người nhiễm HMPV có biểu hiện gần tương tự cúm như ho, thở khò khè, đau họng, sổ mũi. Bệnh dễ gặp vào mùa đông và thường trở nặng gây viêm phổi, viêm phế quản ở trẻ nhỏ, người trên 65 tuổi, người suy giảm miễn dịch.
Mới đây, CDC Trung Quốc cho biết số ca nhiễm HMPV vẫn tăng nhưng không nguy hiểm như Covid-19. Theo một nghiên cứu lâm sàng năm 2024 của Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM, xét nghiệm 103 bệnh nhân viêm phổi cộng đồng gồm 56 trẻ em, 47 người lớn, cho thấy HMPV chiếm tỷ lệ nhỏ so với các tác nhân gây viêm phổi cộng đồng khác, tương đương 12,5% ở trẻ em.
HMPV hiện chưa có vaccine phòng bệnh, người dân cần phòng tránh bằng các biện pháp phòng bệnh hô hấp như giữ vệ sinh mũi họng, giữ khoảng cách, đeo khẩu trang...
Viêm phổi do phế cầu
Theo CDC Mỹ, khoảng 5-90% người khỏe mạnh mang vi khuẩn phế cầu ở vùng hầu họng. Phế cầu xâm lấn sẽ gây bệnh ở nhiều cơ quan như tai, xoang, phổi, máu, ví dụ viêm tai giữa, viêm phổi, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết.
Biểu hiện của bệnh do phế cầu tùy thuộc vào cơ quan mà vi khuẩn này tấn công. Nếu đi vào phổi, viêm phổi do phế cầu thường có các triệu chứng ban đầu giúp cúm như sốt, ớn lạnh, vã mồ hôi, thở ngắn, ho và đau ngực. Phế cầu còn đặc trưng bởi tính đồng nhiễm và bội nhiễm với các tác nhân vi khuẩn, virus khác khiến tình trạng bệnh nặng hơn, nguy cơ cao dẫn đến biến chứng.
Phế cầu đã có vaccine phòng ngừa cho cả trẻ em và người lớn. Việt Nam hiện có ba loại vaccine phế cầu, phòng lần lượt 10, 13, 23 chủng của vi khuẩn này, tiêm sớm nhất cho trẻ từ 6 tuần tuổi và người lớn.
Sởi
Sởi thường phát vào mùa đông xuân và là một trong các bệnh truyền nhiễm có hệ số lây nhiễm cao. Sởi gây bệnh ở mọi lứa tuổi, thường bắt đầu với một cơn sốt nhẹ, kèm theo những triệu chứng giống cúm như ho, chảy mũi, mắt đỏ và đau cổ họng. Vừa qua, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) tiếp nhận nhiều ca mắc sởi song được chẩn đoán nhầm với cúm hoặc sốt phát ban, dẫn tới điều trị sai cách, khiến bệnh nhi trở nặng.
Nếu không theo dõi và điều trị kịp thời, bệnh có thể biến chứng viêm tai giữa, viêm phổi, viêm não, tiêu chảy, khô loét giác mạc... Bệnh có thể gây suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ, ảnh hưởng đến việc học tập và phát triển trong tương lai.
Tiêm ngừa vaccine là cách phòng bệnh chủ động và hiệu quả cao. Vaccine sởi tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi và người lớn. Mỗi người cần tiêm đủ từ 2 mũi sởi, hiệu quả bảo vệ lên đến 98%.
Viêm màng não do não mô cầu
Vi khuẩn não mô cầu lây qua đường hô hấp và là tác nhân của các bệnh cảnh nặng như viêm phổi, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết... Trong đó, viêm màng não và nhiễm khuẩn huyết do não mô cầu diễn tiến nhanh, có thể gây tử vong trong 24 giờ.
Các triệu chứng ban đầu của bệnh thường khó nhận biết, dễ nhầm lẫn với cảm cúm, sốt siêu vi như nhức đầu, đau họng, mệt mỏi, sốt... Bệnh tăng nặng dần theo giờ, bệnh nhân xuất hiện buồn nôn, khó thở, cứng cổ, tử ban hình sao, hôn mê.
Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, tỷ lệ tử vong lên đến 50%. Những người sống sót sau bệnh do não mô cầu cũng chịu nhiều di chứng như hoại tử da, cụt chi, điếc, mù lòa...
Não mô cầu có 13 nhóm huyết thanh, 5 trong số này đã có vaccine phòng ngừa. Trong đó, vaccine não mô cầu B thế hệ mới tiêm cho trẻ từ 2 tháng tuổi và người lớn đến 50 tuổi. Vaccine não mô cầu BC, tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi và người lớn đến 45 tuổi. Vaccine não mô cầu A, C, Y, W-135 tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi và người lớn đến 55 tuổi. Vaccine não mô cầu không có miễn dịch chéo giữa các nhóm huyết thanh, do đó người dân cần tiêm sớm và đầy đủ giúp phòng cả 5 nhóm huyết thanh.
Ngoài ra, có nhiều tác nhân gây viêm đường hô hấp khác như cúm, bạch hầu, ho gà, Hib, thủy đậu... Người dân cần chú ý tiêm phòng những bệnh nói trên, tránh mắc bệnh, biến chứng, giúp bác sĩ điều trị loại trừ nhanh một số tác nhân gây bệnh, rút ngắn thời gian chẩn đoán.
Bên cạnh tiêm vaccine, người dân cần chú ý các biện pháp phòng bệnh khác như giữ vệ sinh mũi họng, khi đến nơi đông người cần đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.