Ánh sáng điện thoại ảnh hưởng phong độ phái mạnh thế nào
Ánh sáng xanh phát ra từ màn hình điện thoại thông minh, máy tính, máy tính bảng ảnh hưởng sức khỏe, đặc biệt với sinh lý nam giới.
Ánh sáng xanh là ánh sáng có bước sóng ngắn từ 400 đến 495 nanomet, thuộc loại ánh sáng có năng lượng cao. Chúng chủ yếu phát ra từ các thiết bị điện tử, bao gồm điện thoại thông minh, máy tính, tivi và các loại đèn LED. Ánh sáng xanh có lợi ích trong việc giúp tăng cường sự tỉnh táo ban ngày, nhưng việc tiếp xúc quá mức vào ban đêm có thể gây nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe, đặc biệt là sự gián đoạn chu kỳ sinh học của cơ thể.
Theo TS.BS.CK2 Trà Anh Duy, Trung tâm Sức khỏe Nam giới Men’s Health, các nghiên cứu khoa học gần đây chỉ ra ánh sáng xanh không chỉ làm rối loạn giấc ngủ mà còn có ảnh hưởng đáng kể đến nồng độ testosterone và khả năng sinh sản.
Tác động của ánh sáng xanh đến giấc ngủ và hormone sinh lý
Giấc ngủ có vai trò quan trọng trong điều hòa các chức năng sinh lý, bao gồm cả sản xuất testosterone - hormone sinh dục chính ở nam giới. Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences cho thấy ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử sử dụng vào buổi tối có thể làm giảm nồng độ melatonin, hormone điều hòa giấc ngủ. Điều này dẫn đến rối loạn giấc ngủ và tình trạng thiếu ngủ kéo dài có thể ảnh hưởng nồng độ testosterone.
Theo một nghiên cứu trên tạp chí Sleep, ngủ không đủ giấc có thể làm giảm sản xuất testosterone. Cụ thể, testosterone thường được sản xuất trong khi ngủ, đặc biệt trong giai đoạn ngủ sâu (NREM). Khi giấc ngủ bị gián đoạn hoặc rút ngắn, sản lượng testosterone bị giảm đáng kể, dẫn đến giảm ham muốn tình dục, suy giảm khả năng cương cứng và các vấn đề sức khỏe sinh sản.
Tác động của ánh sáng xanh đến nồng độ testosterone
Tác giả Chellappa và cộng sự, trong nghiên cứu trên tạp chí Plos One, đã khám phá tác động của ánh sáng xanh lên nồng độ testosterone và các chức năng sinh lý của cơ thể. Nghiên cứu kết luận rằng tiếp xúc với ánh sáng xanh vào ban đêm có thể làm giảm nồng độ testosterone, từ đó dẫn đến suy giảm ham muốn tình dục và khả năng sinh sản.
Ngoài ra, ánh sáng xanh cũng làm tăng nồng độ cortisol, hormone căng thẳng, gây ức chế testosterone. Thiếu ngủ kéo dài làm tăng cortisol, đồng thời giảm nồng độ testosterone, dẫn đến các vấn đề về sinh lý như mệt mỏi, giảm sức bền và khả năng tình dục. Cortisol và testosterone hoạt động đối kháng: khi nồng độ cortisol tăng cao, sản xuất testosterone suy giảm đáng kể.
Tác động đến khả năng sinh sản
Một nghiên cứu trên tạp chí Reproductive Biology and Endocrinology cho thấy tiếp xúc lâu dài với ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử có thể làm suy giảm chất lượng tinh trùng. Nghiên cứu này nhấn mạnh sự tiếp xúc với ánh sáng xanh có thể làm tăng stress oxy hóa, một quá trình gây tổn thương cho tế bào tinh trùng và làm giảm khả năng sinh sản ở nam giới. Điều này có nghĩa ngoài việc ảnh hưởng đến testosterone, ánh sáng xanh còn có khả năng gây tổn thương đến quá trình sản xuất tinh trùng, làm giảm số lượng và chất lượng tinh trùng.
Nghiên cứu cũng chỉ ra sử dụng các thiết bị điện tử vào buổi tối hoặc trong môi trường ánh sáng mạnh kéo dài có thể góp phần làm tăng nguy cơ vô sinh nam. Hiện vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu để xác định rõ hơn về tác động dài hạn của ánh sáng xanh lên khả năng sinh sản, nhưng kết quả ban đầu đã cho thấy ảnh hưởng tiêu cực rõ rệt.
Giải pháp giảm tác động của ánh sáng xanh
Để giảm các tác động tiêu cực của ánh sáng xanh đến sức khỏe sinh lý, nam giới có thể thực hiện một số biện pháp phòng ngừa:
Giảm tiếp xúc với ánh sáng xanh trước khi ngủ: Tránh sử dụng các thiết bị điện tử ít nhất 1-2 giờ trước khi đi ngủ để giảm tác động lên nồng độ melatonin và nhịp sinh học.
Sử dụng kính lọc ánh sáng xanh hoặc phần mềm giảm ánh sáng xanh: Một số ứng dụng và thiết bị có thể giúp giảm bớt ánh sáng xanh từ màn hình, đồng thời kính lọc ánh sáng xanh cũng có thể được sử dụng để bảo vệ mắt và hệ thần kinh khỏi ánh sáng xanh quá mức.
Tăng cường giấc ngủ và thư giãn: Đảm bảo một giấc ngủ đủ và chất lượng cao là biện pháp quan trọng để duy trì nồng độ testosterone và sức khỏe sinh lý tổng thể. Thực hành các kỹ thuật thư giãn như thiền hoặc yoga cũng có thể giúp cải thiện giấc ngủ và giảm căng thẳng.
Cải thiện lối sống lành mạnh: Một chế độ ăn uống cân bằng, tập thể dục thường xuyên và tránh các tác nhân gây căng thẳng có thể giúp duy trì nồng độ testosterone ổn định, cải thiện khả năng sinh sản.