Ăn uống như thế nào phòng ngừa ung thư?
Gia đình tôi có hai người thân mắc ung thư đã qua đời. Tôi hay đau bụng không rõ nguyên nhân, nên ăn uống thế nào để phòng ung thư? (Mỹ Ngọc, Hà Nội)
Trả lời:
Viêm là một trong những yếu tố góp phần hình thành tế bào ung thư. Viêm cấp tính đóng vai trò quan trọng trong quá trình chữa lành vết thương và phục hồi sau nhiễm trùng, nhưng viêm mạn tính thúc đẩy ung thư phát triển.
Phản ứng viêm làm sản sinh ra các gốc tự do gây tổn hại DNA, dẫn đến các đột biến có khả năng gây ung thư. Tình trạng viêm cũng có thể liên quan đến ung thư di căn và kháng thuốc điều trị. Do đó, chế độ ăn có chất chống viêm giúp giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư đại trực tràng, tuyến tiền liệt, phổi, vú, buồng trứng...
Chế độ ăn có chất chống viêm góp phần giảm ung thư theo nhiều cách. Thứ nhất, thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật giàu phytochemical trong chế độ ăn này giúp vô hiệu hóa chất gây ung thư, truyền tín hiệu tế bào và tiêu diệt các tế bào bất thường. Thứ hai, chế độ ăn uống có chất chống viêm hỗ trợ duy trì cân nặng khỏe mạnh, hạn chế lượng mỡ thừa trong cơ thể, nhờ đó giảm nguy cơ ung thư.
Bạn nên có chế độ ăn ưu tiên thực phẩm chứa chất chống viêm, gồm đa dạng các loại rau củ quả, nhất là rau màu xanh đậm, rau họ cải (bông cải xanh, súp lơ trắng), hành và tỏi, quả mọng, quả họ cam quýt. Với ngũ cốc, bạn nên chọn loại nguyên hạt, sử dụng ngũ cốc tinh chế như bột mì trắng và gạo vừa phải, hạn chế các loại bánh ngọt. Tăng cường bổ sung protein từ thực vật như đậu khô, đậu lăng, thực phẩm từ đậu nành, các loại hạt, đồng thời hạn chế thịt đỏ và thịt chế biến.
Khi chế biến, bạn nên nêm nếm món ăn bằng thảo mộc và gia vị, sử dụng dầu ô liu nguyên chất và các loại dầu thực vật không bão hòa khác. Tránh thực phẩm chế biến sẵn nhiều đường, chất béo và muối để tăng hương vị. Uống đủ nước mỗi ngày, có thể sử dụng trà và cà phê thay cho các loại nước ngọt hay nước ép có đường.
Song song với chế độ ăn có chất chống viêm, bạn cũng lưu ý chế độ sinh hoạt, ngủ nghỉ điều độ, hạn chế thức khuya, kiểm soát cảm xúc để tránh căng thẳng kéo dài. Các chất kích thích như rượu bia có nguy cơ gây ung thư ở người, do đó bạn cần hạn chế sử dụng.
Tầm soát sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm ung thư, nhất là người từ 18 tuổi trở lên hoặc có tiền sử gia đình mắc các bệnh lý nghiêm trọng như tim mạch, ung thư, tiểu đường. Người làm việc trong môi trường căng thẳng, thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại, thai phụ hoặc có kế hoạch mang thai cũng cần khám sức khỏe thường xuyên.