Ăn tối muộn tăng nguy cơ mắc bệnh tiêu hóa
Ăn tối muộn và đi ngủ ngay sau ăn dễ mắc các bệnh tiêu hóa như đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu, trào ngược dạ dày thực quản…
Bác sĩ, Tiến sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa - Gan mật - Tụy, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết, không có thời gian chính xác cho mỗi bữa ăn, nhưng nguyên tắc chung là ăn sáng trong vòng một giờ sau khi thức dậy, ăn trưa sau khi ăn sáng khoảng 4-5 giờ, ăn tối sau ăn trưa 4-5 giờ. Ăn tối muộn và đi ngủ ngay sau khi ăn làm chậm quá trình trao đổi chất, gây ảnh hưởng đến đường tiêu hóa, tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý.
Khó tiêu, ợ chua
Ăn tối muộn có nghĩa là ăn gần khi đi ngủ buổi tối, lượng calo nạp vào khiến hệ tiêu hóa hoạt động liên tục. Thường xuyên ăn tối muộn khiến quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng bị ảnh hưởng, cơ thể tích trữ calo dưới dạng chất béo dẫn đến tăng cân. Điều này gây ra các vấn đề tiêu hóa như khó tiêu, ợ chua.
Đầy hơi, chướng bụng
Ăn tối sớm giúp cơ thể có thêm thời gian ổn định lượng đường trong máu, bạn cảm thấy bớt mệt mỏi, căng thẳng. Việc ăn sớm còn giúp bạn có thêm năng lượng để thực hiện các hoạt động trước khi đi ngủ. Nếu đi ngủ ngay sau khi ăn tối, thức ăn không được tiêu hóa đúng cách vì tư thế nằm gây nhiều vấn đề sức khỏe như trào ngược, đầy hơi, chướng bụng hoặc đau bụng. Bữa ăn tối càng cách xa giờ đi ngủ thì hệ thống tiêu hóa càng hoạt động tốt hơn.
Trào ngược dạ dày thực quản
Sau khi ăn, bạn cần đi lại nhẹ nhàng hoặc đứng thẳng để giữ thức ăn trong dạ dày. Trào ngược là hậu quả của axit tràn ra khỏi dạ dày do nằm ngay sau khi ăn no. Ở người khỏe mạnh, dạ dày thường mất vài giờ để rỗng sau một bữa ăn vừa phải. Ở người lớn tuổi hoặc người có vấn đề về tiêu hóa, quá trình làm rỗng dạ dày thường bị chậm lại. Hơn nữa, thức ăn bữa tối nếu nhiều chất béo và carbohydrate thường tạo ra chứng trào ngược.
Tăng cân
Khi ăn tối muộn, thức ăn sẽ chuyển hóa tạo ra năng lượng. Do ít hoạt động thể lực vào ban đêm nên năng lượng tạo ra dễ bị dư thừa và tích lại thành mỡ dự trữ. Đây là nguyên nhân dẫn tới tăng cân. Trọng lượng cơ thể bị thừa hoặc béo phì gây ra nhiều hậu quả, các bệnh tiêu hóa như viêm gan thoái hóa mỡ, xơ gan, tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư hệ tiêu hóa như ung thư đại tràng, ung thư tụy, ung thư gan... Ngoài ra, người tăng cân cũng dễ bị các bệnh ngoài cơ quan tiêu hóa như đái tháo đường, tăng huyết áp, hội chứng chuyển hóa...
Tiến sĩ Khanh cho rằng, nếu bỏ bữa tối, bạn sẽ thấy cơ thể muốn bù lại lượng calo đã mất vào ngày hôm sau. Điều này dẫn đến cảm giác thèm ăn, thậm chí là ăn uống vô độ. Thỉnh thoảng ăn tối muộn có thể làm gián đoạn giấc ngủ của bạn hoặc thay đổi quá trình hoạt động của cơ thể, nhưng cũng không nên bỏ bữa tối. Khi bận việc bắt buộc phải ăn tối muộn, mọi người nên ăn vừa phải, ưu tiên nhiều chất xơ, protein, hạn chế thực phẩm nhiều đường, rượu, carbohydrate hoặc thực phẩm giàu chất béo.