Ăn nhiều đậu nành có gây bệnh tuyến giáp?
Tôi rất thích đậu nành. Có phải ăn nhiều đậu nành có thể gây bệnh tuyến giáp, u tuyến giáp khiến u phát triển nhanh hơn không? Liều lượng thế nào là phù hợp? (Văn Dương, 41 tuổi)
Trả lời:
Đậu nành là thực phẩm phổ biến, được dùng để chế biến các món quen thuộc như đậu phụ, sữa đậu nành, tào phớ. Đậu giàu protein, vitamin, khoáng chất, chất xơ, chất béo không bão hòa có lợi cho tim.
Hợp chất isoflavone là một loại phytoestrogen trong đậu nành có cấu trúc hóa học tương tự hormone estrogen, giúp giảm tình trạng bốc hỏa và đổ mồ hôi đêm ở phụ nữ mãn kinh, hạ huyết áp, tốt cho xương.
Nhiều người cho rằng đậu nành ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp, gây bướu cổ. Tuy nhiên chưa có nghiên cứu khẳng định đậu nành gây ra u tuyến giáp hay bệnh tuyến giáp. Song đậu nành có thể làm thay đổi chức năng tuyến giáp ở người thiếu iốt. Cụ thể, các chất trong đậu nành có thể ức chế sản xuất hormone tuyến giáp, cản trở quá trình hấp thụ iốt của tuyến giáp, kích thích tuyến yên tiết ra nhiều TSH (hormone kích thích tuyến giáp). Nếu nồng độ TSH tăng quá mức có thể khiến tuyến giáp to ra, hình thành bướu cổ (gọi là bướu cổ đơn thuần).
Trường hợp bạn không mắc bệnh lý tuyến giáp, không thiếu iốt có thể yên tâm ăn đậu nành và các món chế biến từ loại đậu này vừa phải. Người mắc bệnh tuyến giáp như suy giáp nên hạn chế sử dụng đậu nành, đảm bảo bổ sung đủ iốt trong chế độ ăn. Lượng đậu nành an toàn cho người bệnh tuyến giáp là 30 g một ngày.
Bạn cũng cần chú ý cân bằng dinh dưỡng, ăn đa dạng các loại thực phẩm. Chế độ ăn cân bằng với đủ iốt, protein và các dưỡng chất giúp duy trì sức khỏe tuyến giáp. Hạn chế sử dụng thực phẩm chế biến sẵn chứa chất bảo quản, đường, đồ uống chứa cồn và caffeine vì có thể cản trở hấp thu hormone tuyến giáp. Song song đó, bạn nên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường của tuyến giáp và điều trị kịp thời.