Ăn mướp hương có tốt cho người bệnh gout?
Ba tôi mắc bệnh gout, ăn mướp hương chứa nhiều purin gây hại hay tốt, cần lưu ý gì? (Trung Hiếu, Tây Ninh)
Trả lời:
Mướp hương có thể giúp bữa ăn bớt ngán và dễ tiêu hóa. Nhiều người nghĩ mướp hương chứa hàm lượng cao purin nên không tốt cho bệnh gout. Tuy nhiên, 100 g mướp hương chỉ chứa dưới 50 mg purin. Giới hạn an toàn về hàm lượng purin mà người bệnh gout có thể tiêu thụ tối đa mỗi ngày là 400 mg.
Ba bạn có thể ăn mướp hương. Tuy nhiên để đảm bảo không hấp thu quá nhiều purin làm tăng axit uric máu khiến bệnh gout bùng phát, chỉ nên tiêu thụ dưới 300-400 g mướp hương mỗi ngày.
Dùng mướp hương vừa phải có thể mang lại lợi ích cho người bệnh gout. Thực phẩm này có chứa khoảng 10 vitamin, 9 khoáng chất và nhiều chất chống oxy hóa khác nhau. Các chất này có tác dụng chống oxy hóa, kháng viêm, duy trì sự sống của tế bào, nhất là tế bào mô sụn ở khớp.
Hàm lượng vitamin C dồi dào trong thực phẩm này còn giúp giảm nồng độ axit uric trong máu, bằng cách kích thích thận tăng cường lọc và đào thải axit uric qua đường nước tiểu. Từ đó, bảo vệ cơ thể chống lại các đợt bùng phát bệnh gout.
Sau khi nấu chín, mỗi 100 g mướp hương chỉ cung cấp khoảng 65 calo, là lựa chọn tốt cho người giảm cân. Thừa cân, béo phì có thể khiến bệnh gout bùng phát hoặc tăng nặng.
Lượng đường tự nhiên trong thực phẩm này tương đối thấp. Trung bình 100 g mướp nấu chín chỉ cung cấp cho cơ thể 1,5 g đường. Ăn mướp hương không làm mức đường glucose trong máu tăng vọt lên sau khi ăn. Điều này có lợi vì nguy cơ mắc bệnh tiểu đường ở người bệnh gout thường cao hơn 22-71% so với người bình thường.
Mướp hương còn chứa hàm lượng chất xơ đáng kể (3,3 g chất xơ trong 100 g mướp hương), có thể giúp người bệnh dễ tiêu hóa, ngăn ngừa táo bón quá mức.
Tuy nhiên, người bệnh gout đồng mắc các bệnh mạn tính khác (tiểu đường, tăng huyết áp, máu nhiễm mỡ...) ăn quá nhiều mướp hương có thể gây hại. Với từng trường hợp cụ thể, người bệnh nên tham vấn ý kiến bác sĩ điều trị hoặc bác sĩ dinh dưỡng trước khi bổ sung thực phẩm vào chế độ dinh dưỡng.
Người bệnh gout nên tái khám định kỳ, thường xuyên theo dõi nồng độ axit uric, đường, các chỉ số mỡ trong máu. Bổ sung dưỡng chất thiên nhiên như eggshell membrane extract (chiết xuất màng vỏ trứng), collagen type II không biến tính và collagen peptide thủy phân, chondroitin sulfate (thành phần chính của cấu trúc nền ngoại bào), turmeric root extract (chiết xuất củ nghệ) hỗ trợ cải thiện cơn đau, kháng viêm, giảm sưng, tăng cường tái tạo sụn, xương dưới sụn, hạn chế nguy cơ thoái hóa khớp.