Ăn mặn hại da
Ăn thực phẩm nhiều muối có thể gây ra các vấn đề về da như bong tróc, nổi mụn, sưng bọng mắt và lão hóa sớm.
Natri là chất dinh dưỡng quan trọng trong chế độ ăn uống. Tuy nhiên, dung nạp quá nhiều natri có thể ảnh hưởng đến sức khỏe như tăng huyết áp, phù nề, chướng bụng, mất nước, da dễ khô, lão hóa. Dưới đây là rủi ro cho da nếu ăn nhiều muối (natri clorua).
Da khô, bong tróc
Hấp thụ lượng lớn natri làm giảm lượng nước mà các cơ quan nội tạng hấp thụ. Điều này thúc đẩy cơ thể hút nước từ tế bào và da, dẫn đến mất nước. Da trở nên khô, bong tróc theo thời gian.
Tăng tiết dầu
Đồ ăn mặn không chỉ gây mất nước mà còn khiến da tăng tiết dầu để dưỡng ẩm. Da đổ nhiều dầu hơn làm tăng nguy cơ tắc nghẽn lỗ chân lông, gây viêm da và dẫn đến mụn đầu đen, mụn đầu trắng, mụn nhọt.
Ngứa da
Thực phẩm nhiều muối thường kích thích hệ thống dây thần kinh ngoại biên, tổn thương trên da gây ngứa, khó chịu. Do đó, người mắc bệnh chàm hạn chế ăn mặn. Theo nghiên cứu công bố năm 2019 của Trường Đại học Munich, Đức, hàm lượng natri trong muối có thể thúc đẩy phản ứng miễn dịch có liên quan đến viêm da dị ứng.
Lão hóa sớm
Chế độ ăn nhiều muối có thể đẩy nhanh quá trình lão hóa. Tiêu thụ thức ăn chiên trong dầu ở nhiệt độ cao cũng giải phóng các gốc tự do, có thể gây tổn thương DNA và đẩy nhanh quá trình lão hóa.
Nghiên cứu công bố năm 2023 từ Viện Tim, Phổi và Máu quốc gia Mỹ, cho thấy nồng độ natri trong máu vượt quá ngưỡng nhất định khiến quá trình lão hóa diễn ra nhanh hơn, tăng nguy cơ mắc bệnh mạn tính và tử vong sớm. Dữ liệu phân tích hơn 15.000 người, độ tuổi 45-66, trong 25 năm.
Sưng bọng mắt
Muối khiến cơ thể giữ nước, dẫn đến hình thành bọng mắt do vùng xung quanh mắt rất mỏng và nhạy cảm. Khi tiêu thụ món mặn, cơ thể giữ thêm nước để cân bằng lượng muối thừa, gây sưng tấy.
Để bảo vệ làn da, nên hạn chế sử dụng muối để nêm thức ăn, dùng gia vị thảo mộc thay thế. Tránh ăn thực phẩm chế biến vì chúng thường có lượng natri cao.