Ăn gì tránh sỏi thận?
Tránh thực phẩm giàu oxalat như rau bina, chocolate, khoai lang, hạn chế thịt động vật, các món nhiều muối, uống nhiều nước để giảm nguy cơ sỏi thận.
Sỏi thận là các khoáng chất cứng hình thành bên trong thận, có thể gây đau dữ dội khi đi qua đường tiết niệu. Không có cách nào có thể ngăn ngừa sỏi thận hoàn toàn, nhất là người có tiền sử gia đình mắc bệnh. Điều chỉnh chế độ ăn uống và dinh dưỡng có thể giảm nguy cơ hình thành sỏi thận.
Uống nhiều nước
Uống nhiều nước hơn là một trong những cách tốt nhất để ngăn ngừa sỏi thận. Cơ thể không đủ nước khiến lượng nước tiểu ít, cô đặc hơn và ít có khả năng hòa tan muối và khoáng chất, từ đó gây ra sỏi. Nước chanh và nước cam cũng là lựa chọn tốt bởi đều chứa citrate, có thể ngăn sỏi hình thành. Nên uống khoảng 8 cốc nước mỗi ngày hoặc đủ để tạo ra khoảng hai lít nước tiểu. Người thường xuyên tập thể dục, đổ mồ hôi nhiều hoặc có tiền sử sỏi cystine cần uống thêm nước.
Nhận biết cơ thể đủ nước hay không bằng cách nhìn vào màu nước tiểu. Nước tiểu sẫm màu nghĩa là cần uống nước nhiều hơn.
Ăn thực phẩm giàu canxi
Loại sỏi thận phổ biến nhất là sỏi canxi oxalat, nên nhiều người nghĩ nên tránh ăn canxi. Song thực tế, chế độ ăn ít canxi có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận và loãng xương. Sữa ít béo, pho mát ít béo và sữa chua ít béo đều giàu canxi tốt. Song sản phẩm bổ sung canxi có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận. Nên uống cùng với bữa ăn để giảm nguy cơ này.
Ăn ít muối
Theo Quỹ Chăm sóc Tiết niệu Mỹ, quá nhiều muối trong nước tiểu ngăn canxi được tái hấp thu từ nước tiểu vào máu. Điều này khiến canxi trong nước tiểu cao, có thể dẫn đến sỏi thận. Ăn ít muối hơn giúp duy trì mức canxi trong nước tiểu ở mức thấp hơn. Canxi trong nước tiểu càng thấp thì nguy cơ hình thành sỏi thận càng thấp.
Để giảm lượng natri nạp vào cơ thể, hãy đọc kỹ nhãn thực phẩm. Các loại thực phẩm thường có hàm lượng natri cao bao gồm thực phẩm chế biến sẵn như khoai tây chiên, súp đóng hộp, thịt xông khói... Để tạo hương vị cho thực phẩm, hãy thử dùng các loại thảo mộc tươi hoặc hỗn hợp gia vị thảo mộc không chứa muối.
Ăn ít thực phẩm giàu oxalat
Oxalat là hợp chất tự nhiên có trong thực phẩm, khi liên kết với canxi trong nước tiểu có thể tạo thành sỏi thận. Hạn chế thực phẩm giàu oxalat giúp ngăn sỏi hình thành. Thực phẩm giàu oxalat là rau bina, chocolate, khoai lang, cà phê, củ cải đường, đậu phộng, sản phẩm từ đậu nành. Nên ăn thực phẩm giàu oxalat và thực phẩm giàu canxi cùng một lúc. Oxalate và canxi liên kết với nhau trong đường tiêu hóa trước khi đến thận khó hình thành sỏi hơn.
Ăn ít protein động vật
Thực phẩm giàu protein động vật có tính axit và có thể làm tăng axit trong nước tiểu. Axit trong nước tiểu cao có thể gây ra cả sỏi thận axit uric và canxi oxalat. Người có nguy cơ cao mắc sỏi thận nên hạn chế hoặc tránh thịt bò, thịt gia cầm, cá, thịt lợn.
Các triệu chứng của sỏi thận có thể không xuất hiện cho đến khi sỏi bắt đầu di chuyển xuống niệu quản. Cơn đau dữ dội này được gọi là đau quặn thận, có thể xuất hiện một bên lưng hoặc bụng. Ở nam giới, cơn đau có thể lan đến vùng bẹn.
Trường hợp sỏi thận nhỏ, người bệnh có thể không bị đau hoặc không có triệu chứng nào khi sỏi đi qua đường tiết niệu. Các triệu chứng khác của sỏi thận có thể bao gồm tiểu máu, nôn mửa, buồn nôn, nước tiểu đổi màu hoặc có mùi hôi, ớn lạnh, sốt, thường xuyên buồn tiểu, đi tiểu với lượng nước ít. Nếu xuất hiện những triệu chứng này, người bệnh nên sớm đi khám và điều trị.
Người bệnh, nhất là người có cơ địa tạo sỏi, cần khám sức khỏe định kỳ 6-12 tháng một lần để sớm phát hiện sỏi khi còn nhỏ. Người bệnh có thể điều trị đơn giản bằng thuốc và điều chỉnh chế độ sinh hoạt. Người có bệnh nền dễ dẫn đến sỏi thận như hẹp đường tiểu, bệnh gout, thừa cân béo phì, tiểu đường... cần điều trị và kiểm soát tốt bệnh.