Ăn bánh trung thu thế nào tốt cho trẻ nhỏ?
Con tôi thích ăn bánh trung thu, hầu như mỗi ngày một cái. Trẻ nhỏ nên ăn như thế nào, ăn nhiều có ảnh hưởng sức khỏe? (Hà, 35 tuổi, Hà Nội)
Trả lời:
Bánh trung thu, đặc biệt là nhân thập cẩm và đậu xanh, chứa hàm lượng đường và chất béo rất cao. Một chiếc bánh có thể cung cấp năng lượng tương đương với 2-3 bát cơm, hương vị lại hấp dẫn nên rất dễ khiến người ăn không kiểm soát được. Đồng thời, bánh trung thu cũng chứa lượng đường hấp thu nhanh, dễ làm tăng đường huyết đột ngột. Lượng chất béo, chủ yếu là chất béo no có hại, cũng khá nhiều, là nguyên nhân gây tăng cân, béo phì cùng hàng loạt vấn đề sức khỏe.
Với trẻ em, đường huyết tăng cao đột ngột có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe, nhất là khi mắc bệnh tiểu đường. Ngoài ra, đường kích thích vị giác, khiến trẻ no nhanh và giảm cảm giác thèm ăn các thực phẩm khác. Trẻ ăn quá nhiều bánh trung thu trước giờ cơm sẽ bỏ ăn, lâu ngày dẫn đến thiếu dinh dưỡng. Đặc biệt, đường bám vào răng, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, nguy cơ gây sâu răng.
Không chỉ giàu năng lượng, bánh trung thu còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn thực phẩm. Việc sử dụng nhiều loại nguyên liệu, kết hợp với quy trình sản xuất không đảm bảo vệ sinh có thể dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn, nấm mốc, gây các bệnh về đường tiêu hóa.
Để đảm bảo sức khỏe cho trẻ, nên giới hạn lượng bánh ăn, chỉ một lượng nhỏ và sau bữa ăn chính, ưu tiên các loại bánh ít đường, ít chất béo, có nguồn gốc rõ ràng. Nên ăn bánh trung thu vào buổi sáng hoặc trưa để cơ thể có đủ thời gian tiêu hóa, tránh ăn bánh vào buổi tối, đặc biệt là trước khi đi ngủ. Sau khi ăn bánh, nên súc miệng kỹ để loại bỏ vụn bánh và ngăn ngừa sâu răng.