Ai có nguy cơ ung thư vòm họng?
Do tính chất công việc, tôi thường xuyên tiếp xúc với khói bụi, ô nhiễm, gia đình có người bị ung thư đầu cổ. Tôi có nguy cơ ung thư vòm họng không ? (Văn Hưng, 50 tuổi, TP HCM)
Trả lời:
Ung thư vòm họng thuộc nhóm ung thư vùng đầu cổ. Ung thư này bắt đầu ở vòm họng - phần trên của họng, nằm phía sau mũi và khoang mũi, là đường dẫn không khí từ mũi đến cổ họng. Theo Globocan năm 2022, ung thư mũi họng đứng thứ 9 trong 10 loại ung thư phổ biến nhất tại Việt Nam, chiếm 3,1%. Tỷ lệ tử vong do loại ung thư này đứng thứ 8, chiếm 2,9%.
Bệnh không biểu hiện triệu chứng sớm, diễn tiến thầm lặng, dễ nhầm lẫn với các bệnh mũi xoang khác. Triệu chứng điển hình ở giai đoạn nặng gồm nghẹt mũi, đau họng, viêm tai tái phát, khối hạch ở cổ, đau mặt, giảm thính lực, chảy máu mũi...
Ung thư vòm họng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên, người già có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2-3 lần so với phụ nữ. Người có chế độ ăn nhiều thức ăn bảo quản bằng muối và chất nitrosamine như cá muối, thịt muối làm tăng khả năng nhiễm EBV - virus liên quan mật thiết đến ung thư vòm họng.
Người nhiễm một số loại virus HPV, hút nhiều thuốc lá, uống nhiều rượu bia, gia đình có người mắc ung thư đầu cổ, cũng có khả năng cao phát triển loại ung thư này. Hút thuốc kích hoạt tình trạng nhiễm virus EBV, uống rượu làm tăng sự tổn thương niêm mạc vòm họng, tăng nguy cơ ung thư. Di truyền cũng là yếu tố nguy cơ ung thư vòm họng. Theo tổ chức nghiên cứu ung thư của Anh (Cancer Research UK), người tiếp xúc với bụi gỗ, hóa chất công nghiệp cũng dễ mắc ung thư tai mũi họng.
Bạn vừa có tiền sử gia đình mắc bệnh vừa thường xuyên tiếp xúc với tác nhân ung thư. Bạn nên khám sức khỏe định kỳ, tầm soát ung thư mỗi năm một lần. Nếu bạn có những triệu chứng ở vùng đầu cổ, tái phát nhiều lần, không giảm sau 1-2 tháng dùng thuốc điều trị, nên tầm soát ung thư. Để phòng bệnh, bạn ăn uống lành mạnh, hạn chế tiếp xúc nơi ô nhiễm, tránh uống rượu bia, không hút thuốc lá, nên tiêm phòng HPV.