9 bệnh có thể gây béo phì
Trầm cảm, suy giáp, hội chứng Cushing có thể gây rối loạn nội tiết, ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất, khiến người bệnh khó kiểm soát cân nặng.
BS.CKI Phan Thị Thùy Dung, Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết béo phì là bệnh mạn tính phức tạp, có xu hướng gia tăng. Người thừa cân, béo phì thường nghĩ đây là vấn đề ăn uống nên chú trọng giảm cân bằng cách tập luyện, nhịn ăn. Tuy nhiên, tăng cân cũng có thể liên quan đến các bệnh lý chuyển hóa, di truyền, nội tiết...
Rối loạn vùng dưới đồi (vùng nhỏ nằm ở giữa tuyến yên và đồi thị) thường gây ra triệu chứng thèm ăn do cơ thể đề kháng với hormone no (leptin). Rối loạn vùng dưới đồi có thể xảy ra sau chấn thương đầu hoặc sau xạ trị khiến vùng dưới đồi tổn thương. Người bệnh sau phẫu thuật u sọ hầu, bị viêm do bệnh sarcoidosis (u hạt) và lao, tổn thương mạch máu, đột biến gene... cũng có nguy cơ cao rối loạn vùng dưới đồi.
Suy giáp (tuyến giáp hoạt động kém - Hypothyroidism) là tình trạng tuyến giáp không tạo ra đủ hormone, làm chậm quá trình trao đổi chất, rối loạn chuyển hóa gây tăng cân. Triệu chứng suy giáp gồm không chịu được lạnh, da khô, rụng tóc, chậm chạp...
Hội chứng Cushing gây tăng cân do tăng nồng độ cortisol trong máu làm tăng tích tụ mỡ. Triệu chứng đi kèm gồm dễ bầm tím, mặt sưng phù, rạn da, mệt mỏi, tăng huyết áp, giảm ham muốn tình dục...
Hội chứng buồng trứng đa nang làm tăng hormone androgen, rối loạn kinh nguyệt, tăng đề kháng insulin, rối loạn chuyển hóa... Các tình trạng này đều dẫn đến tăng cân không kiểm soát dù người bệnh ăn ít. Người béo phì mắc hội chứng này thường dễ tăng cân, khó giảm cân, rậm lông, kinh nguyệt không đều... Bệnh không điều trị sớm có nguy cơ cao tiến triển các bệnh tiểu đường type 2, vô sinh.
Suy sinh dục nam có mối liên hệ phức tạp, hai chiều với béo phì. Bác sĩ Dung giải thích người bị suy sinh dục giảm testosterone thường tăng cân nhanh. Ngược lại, béo phì có thể gây ra chứng suy sinh dục do giảm gonadotropin (hormone của tuyến sinh dục). Triệu chứng suy sinh dục ở nam gồm giọng nói cao, ít lông, râu và tóc mọc thưa, nữ hóa tuyến vú (ít gặp), rối loạn cương dương, giảm khối lượng cơ bắp, loãng xương...
Phụ nữ sau sinh hoặc mãn kinh bị thay đổi nội tiết tố nữ, suy giảm estrogen, trao đổi chất cũng dễ tăng cân hơn. Nếu không kiểm soát trong lượng cơ thể, người bệnh có thể bị béo phì. Triệu chứng mãn kinh là không có kinh nguyệt trong vòng 12 tháng liên tục.
Thiếu hụt hormone tăng trưởng (GH) thường do bẩm sinh hoặc hậu phẫu u tuyến yên, góp phần dẫn đến béo phì. Triệu chứng thiếu hormone tăng trưởng điển hình như mệt mỏi, lo lắng, trầm cảm, tăng mỡ nhất là vùng bụng, loãng xương.
Béo phì do di truyền là bệnh về di truyền học phức tạp. Gene liên quan đến khối lượng mỡ và béo phì được chia thành béo phì đa gene và béo phì đơn gene. Đặc điểm của béo phì do di truyền là tăng cân từ nhỏ, tăng cân dù ăn không nhiều. Để điều trị, người bệnh cần được xét nghiệm giải mã gene di truyền nhằm đưa ra phù hợp nhất.
Bệnh tâm lý như trầm cảm và béo phì có mối liên hệ hai chiều. Người béo phì dễ bị trầm cảm và người bệnh trầm cảm thường có triệu chứng ăn nhiều hơn để giải tỏa căng thẳng. Rối loạn ăn uống, ăn uống vô độ thường xảy ra ở một số người bệnh bị trầm cảm, nếu kéo dài gây thừa cân và béo phì.
Một số loại thuốc thường được sử dụng điều trị rối loạn tâm thần, thuốc chống động kinh cũng có thể gây béo phì. Bác sĩ Dung cho biết corticosteroid (dạng thuốc giảm đau, giảm viêm, hen suyễn, viêm xoang), thuốc tránh thai cũng có thể gây rối loạn nội tiết, tăng cân.
Bác sĩ Dung lưu ý thừa cân béo phì không đơn thuần là do lối sống không lành mạnh mà còn có nhiều yếu tố khác. Do đó, người bị tăng cân, thừa cân không rõ lý do nên đến cơ sở y tế chuyên điều trị béo phì để kiểm tra, phòng biến chứng.