7 dấu hiệu cảnh báo đường huyết bất ổn
Mệt mỏi, khát và buồn tiểu, chóng mặt, rối loạn tiêu hóa, giảm thị lực là các dấu hiệu cho thấy có vấn đề về đường huyết.
Tăng, giảm đường huyết là triệu chứng đặc trưng của bệnh tiểu đường type 2. Người bệnh thường phải đo đường huyết liên tục nhằm kịp thời điều chỉnh bằng chế độ ăn kiêng, tập thể dục và thuốc. Tuy nhiên, mất kiểm soát đường huyết cũng có thể xảy ra do ăn uống, dinh dưỡng, mắc bệnh suy giáp (giảm sản xuất hormone tuyến giáp)... Một số dấu hiệu sau có thể giúp nhận biết lượng đường trong máu mất ổn định.
Khát và đi tiểu thường xuyên: Đây là hai dấu hiệu điển hình của bệnh tiểu đường. Lượng đường trong máu tăng khiến thận làm việc nhiều hơn để lọc đường, đồng thời hút nhiều chất lỏng từ các mô dẫn đến tình trạng đi tiểu thường xuyên. Đi tiểu nhiều làm mất nước nhanh, tăng cảm giác khát nước liên tục.
Mệt mỏi: Khi đường tồn tại trong máu thay vì được chuyển đến các tế bào của cơ thể, cơ bắp không có đủ nhiên liệu sử dụng làm năng lượng. Người bệnh thường cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ, triệu chứng hay xuất hiện sau khi ăn.
Chóng mặt hoặc run rẩy: Những dấu hiệu này cảnh báo hạ hoặc tăng đường huyết. Não cần glucose để hoạt động, khi lượng đường trong máu giảm, cơ quan này không nhận đủ glucose dẫn đến kích hoạt giải phóng hormone epinephrine, gây ra các triệu chứng run rẩy, chóng mặt, buồn nôn.
Phù bàn tay bàn chân: Tăng, giảm đường huyết ảnh hưởng đến khả năng lọc chất thải và chất lỏng của thận theo thời gian. Khi nước tích tụ trong cơ thể, bàn tay và bàn chân có thể sưng lên.
Giảm cân không mong muốn: Tình trạng giảm cân nhanh nhưng không có chủ đích có thể do lượng đường trong máu quá cao. Khi lượng đường trong máu cao, cơ thể đào thải đường ra khỏi cơ thể qua nước tiểu, mang theo lượng calo và chất lỏng ra ngoài, gây sụt cân.
Vấn đề về dạ dày: Bệnh tiểu đường cũng làm tổn thương dây thần kinh đảm nhận vai trò giúp dạ dày trống rỗng và di chuyển thức ăn dễ dàng qua đường tiêu hóa. Khi dạ dày không thể làm rỗng đủ nhanh (tình trạng liệt dạ dày), người bệnh có thể đối mặt với các vấn đề khó chịu ở bụng như buồn nôn, nôn, đầy hơi, ợ chua. Liệt dạ dày còn là nguyên nhân khiến kiểm soát bệnh tiểu đường khó khăn hơn.
Thị lực giảm: Lượng đường trong máu cao và huyết áp cao đều có thể làm hỏng các cấu trúc nhạy cảm trong mắt. Một số biến chứng người tiểu đường thường gặp như bệnh võng mạc tiểu đường do tổn thương mạch máu trong mắt, nhìn mờ, có đốm, chảy máu võng mạc...
Người bệnh nên đo đường huyết khi xuất hiện một trong các dấu hiệu trên thường xuyên. Người bệnh đi khám để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân, có thể điều trị phù hợp, tránh biến chứng.