6 bệnh thường gặp ở vùng miệng
Áp tơ niêm mạc miệng hoặc nhiễm vi nấm, viêm loét hay nứt lưỡi, bạch sản và ung thư khoang miệng là 6 bệnh thường gặp ở vùng miệng.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Bay, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM - Cơ sở 3, miệng, lưỡi gặp vấn đề bất thường thì việc ăn uống sẽ vô cùng "khổ sở", từ đó cơ thể dễ thiếu dinh dưỡng và kéo theo những hậu quả nặng nề khác.
Do đó, cần nhận biết những bệnh thường gặp ở miệng rất cần thiết để kịp thời điều trị. Có rất nhiều bệnh lý ở miệng nhưng thường gặp nhất là những căn bệnh sau đây:
Áp tơ niêm mạc miệng
Đây là bệnh do siêu vi gây ra. Chúng tồn tại trong không khí rồi xâm nhập vào miệng và thường trú ở đó. Khi cơ thể thiếu nước, thiếu ngủ hoặc stress làm sức đề kháng yếu, siêu vi sẽ "thức dậy" và gây viêm loét trong miệng, lưỡi, má... Bệnh thường khiến bạn đau rát khi ăn hoặc uống.
Nứt lưỡi
Nguyên nhân chủ yếu do di truyền, tuy nhiên cũng liên quan đến một số vấn đề như stress, mất ngủ, mắc bệnh đường tiêu hóa mạn tính... Triệu chứng thường gặp là đau, rát đầu lưỡi, tê buốt rìa lưỡi. Xung quanh vùng tổn thương thường có những nốt đỏ tạo thành hình ảnh như bản đồ.
Miệng nhiễm vi nấm
Miệng nhiễm nấm chủ yếu là nấm Candida. Bệnh thường xuất hiện ở trẻ sơ sinh, người già, người sử dụng răng giả hoặc dùng thuốc corticoid kéo dài... Dấu hiệu nhận biết là những đốm trắng trên lưỡi, vết loét tròn, có màng giả màu trắng đục như mủ (màng cấu trúc của nấm men với dịch nước bọt). Khi lớp màng này tróc ra sẽ gây đau, đôi khi chảy máu.
Viêm loét lưỡi
Bệnh chủ yếu do hút thuốc quá nhiều. Hút thuốc lá thường làm khô miệng, hơn nữa hóa chất trong thuốc lá sẽ làm cho miệng dễ bị nhiễm trùng, viêm loét ở miệng, lưỡi, tạo mủ ở chân răng... Nguyên nhân khác có thể do trào ngược dạ dày thực quản.
Bạch sản
Dấu hiệu nhận biết bệnh bạch sản là những đốm trắng xuất hiện trên lưỡi và vách má miệng. Bạch sản đôi khi lành tính nhưng cũng có thể là giai đoạn tiền ung thư lưỡi.
Ung thư khoang miệng
Dấu hiệu nhận biết ung thư khoang miệng là sưng lưỡi kéo dài, có cảm giác vướng nhưng không đau, chỉ thấy tê, xuất hiện các đốm trắng trong khoang miệng... Khi có những triệu chứng này, bạn nên đi khám để được khám, xét nghiệm và chẩn đoán ung thư sớm.
Để phòng bệnh, PGS Bay khuyến cáo vệ sinh răng miệng sạch sẽ hàng ngày. Có thể dùng nước chè vằng, nước lá cúc tana... để súc miệng vì những loại nước này có tính kháng sinh.
Ăn rau, quả, trái cây càng nhiều càng tốt nhằm cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể, giảm nhiệt trong người. Ưu tiên một số rau, củ, quả có tính mát như cà chua, bạc hà... Thường xuyên uống các loại nước mát như hạt é, đậu xanh... Ăn sữa chua để phòng ngừa nhiễm nấm.
Khi có dấu hiệu bị viêm nhiễm, súc miệng bằng nước muối sinh lý để khắc phục. Nếu không cải thiện, bạn cần đến gặp bác sĩ để khám và điều trị kịp thời.