50% bệnh nhân tim mạch tử vong do ngưng tim ngoại viện
Đột tử ngoại viện chiếm 50% trường hợp tử vong tim mạch, tỷ lệ sống còn của bệnh nhân ở những nước phát triển cũng chỉ khoảng 10%.
"Đột tử hay ngưng tim đột ngột ngoại viện là biến cố nguy kịch, đặt ra rất nhiều thách thức trong điều trị hồi sức", ThS.BS Giang Minh Nhật, Phó trưởng Khoa Hồi sức tim mạch, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, nói tại hội nghị khoa học thường niên của bệnh viện, ngày 3/8.
Theo bác sĩ Nhật, nguy cơ tử vong phụ thuộc vào chất lượng hồi sức ban đầu. Một số bệnh nhân được hồi sinh tim phổi có thể phục hồi tuần hoàn tự nhiên nhưng sau đó phải sống thực vật. Thời gian ngưng tim kéo dài, bệnh nhân khó có thể giữ được tính mạng. Kỹ thuật hồi sức chuyên sâu đòi hỏi phải đảm bảo não và tim không tổn thương nhiều hơn.
TS.BS Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định, cho biết đột tử có thể do chơi thể thao, suy tim, nhồi máu cơ tim... Phần lớn nguyên nhân đột tử do tim liên quan đến bệnh mạch vành, chiếm khoảng 50-60% trường hợp. Ở người trẻ, đột tử xảy ra do bệnh tim cấu trúc, rối loạn nhịp, bệnh tim bẩm sinh.
Những nguyên nhân này phải tầm soát bằng nhiều phương tiện như xét nghiệm sinh hóa, theo dõi điện tim liên tục kéo dài, chụp cắt lớp vi tính động mạch vành, cộng hưởng từ tim, khảo sát tính di truyền đột tử trong phả hệ, tầm soát đột biến gene liên quan đột tử... Việc xác định nguyên nhân đột tử rất quan trọng, giúp dự phòng biến cố lặp lại trong tương lai.
Mới đây, bệnh viện hồi sức thành công bệnh nhân 46 tuổi đột ngột ngừng tim, ngưng thở khi đang uống cà phê sáng. Xét nghiệm ghi nhận bệnh nhân mang gene đột biến, phải cấy máy phá rung trong tim để ngăn ngừa rối loạn nhịp thất. Ba người con ruột của ông cũng được bác sĩ tham vấn di truyền, theo dõi dài hạn ngừa đột tử gia đình.
Bác sĩ khuyến cáo gia đình có người bị biến cố tim mạch sớm như đột tử không rõ nguyên nhân, nhồi máu cơ tim người trẻ, nhồi máu não người trẻ..., người nhà còn lại nên khám và đánh giá tim mạch chuyên sâu. Người trên 30 tuổi cần khám sức khỏe tổng quát định kỳ để tầm soát và điều chỉnh các yếu tố nguy cơ. Kiểm soát tốt huyết áp, mỡ máu, đường huyết. Ăn uống khoa học, thường xuyên tập thể dục thể thao.