5 thói quen ăn uống nên duy trì để sống thọ
Nấu ăn ở nhà giúp chọn nguyên liệu tươi ngon, kiểm soát lượng muối, uống trà xanh góp phần chống lại suy giảm nhận thức liên quan đến tuổi tác.
Hạn chế thêm đường
Chế độ ăn nhiều đường liên quan đến béo bụng và tăng cân. Đây là loại mỡ nội tạng làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạn tính như bệnh tim, tiểu đường. Tiêu thụ nhiều đồ ngọt có thể khiến da viêm, nổi mụn, tăng tiết bã nhờn và lão hóa sớm. Thói quen ăn nhiều đồ ngọt cũng làm cơ thể thiếu hụt chất dinh dưỡng.
Giảm lượng đường bổ sung, tập thể dục và tuân theo chế độ ăn uống lành mạnh có thể cải thiện độ nhạy insulin, nhờ đó điều chỉnh lượng đường trong máu và hạn chế nguy cơ mắc bệnh. Mỗi người nên ăn ít thực phẩm chế biến sẵn. Phần lớn lượng đường bổ sung này có trong đồ uống có đường, sữa chua, ngũ cốc ăn sáng.
Nấu ăn ở nhà
Ăn nhiều muối là yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp, dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim và nhiều bệnh tim mạch khác. Chế độ ăn nhiều muối trong thời gian dài cũng làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương và gây ra rối loạn khác cho sức khỏe.
Khi nấu ăn nhiều hơn ở nhà, bạn có thể kiểm soát các nguyên liệu, gia vị sử dụng. Gia đình nên chế biến món ăn theo cách hấp để thực phẩm bảo toàn giá trị dinh dưỡng, có lợi cho sức khỏe.
Uống trà xanh
Uống trà xanh góp phần giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ. Các hợp chất chống viêm trong trà xanh như EGCG được chứng minh có tác dụng làm giãn và giảm viêm mạch máu. Trà xanh giúp cải thiện tâm trạng, giảm căng thẳng, góp phần chống lại suy giảm nhận thức liên quan đến tuổi tác. Trà xanh cũng chứa caffein, L- theanine - một loại axit amin có ảnh hưởng tích cực đến tâm trạng, giảm căng thẳng và tăng cường sản xuất dopamine, serotonin.
Loại trà này giàu polyphenol, hỗ trợ chống lại các gốc tự do và có thể bảo vệ tế bào và DNA khỏi bị hư hại. Tổn thương oxy hóa có liên quan đến viêm mạn tính, có thể dẫn đến phát triển ung thư.
Ăn ít thịt
Protein giúp tạo hệ miễn dịch khỏe mạnh, hỗ trợ tăng trưởng và phát triển thể trạng. Protein từ động vật chứa chất béo bão hòa cao và trong quá trình chuyển hóa tạo ra các chất độc hại cho cơ thể như ure, axit uric, nitrat, cholesterol. Trong khi đó, protein từ thực vật ít chất béo bão hòa, ít cholesterol.
Protein từ thực vật thường có trong đậu nành, đậu Hà Lan, lúa mạch... Người trưởng thành nên ưu tiên protein thực vật trong khẩu phần hàng ngày để hạn chế yếu tố không có lợi cho sức khỏe.
Ăn đủ chất béo có nguồn gốc thực vật
Chất béo thực vật được chiết xuất từ hoa quả như dừa, ô liu, hướng dương, đậu nành... có lợi cho sức khỏe, bao gồm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Chất béo không bão hòa đơn và chất béo không bão hòa đa giảm cholesterol xấu và tăng cholesterol tốt.