5 giai đoạn của bệnh sa sút trí tuệ
Sa sút trí tuệ diễn biến qua 5 giai đoạn từ không suy giảm đến nghiêm trọng, người bệnh cần chăm sóc đúng cách, tập luyện chức năng nhận thức để khôi phục và nâng cao chất lượng sống.
Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Loan, Trưởng phòng Tâm thần người cao tuổi, Viện Sức khỏe tâm thần Bạch Mai, cho biết Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số, hiện có 12 triệu người ở độ tuổi trên 65 tuổi và tuổi thọ trung bình là 75.
Tuy nhiên, theo thống kê của Tổng cục Dân số, tuổi thọ bình quân của người Việt Nam tăng nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp so với nhiều nước. Cụ thể, phụ nữ sống có bệnh tật trung bình khoảng 11 năm và nam giới khoảng 8 năm. Đặc biệt, 67,2% người cao tuổi có tình trạng sức khỏe yếu và rất yếu. Bình quân mỗi người già có ba bệnh, nguy cơ tàn phế do quá trình lão hóa, chi phí điều trị lớn.
"Già hóa dân số đồng nghĩa với việc chúng ta đang phải đối diện với các vấn đề bệnh tật của người cao tuổi, trong đó sa sút trí tuệ đang là một thách thức", bác sĩ Loan nói.
Sa sút trí tuệ là hội chứng lâm sàng được gây ra bởi tổn thương não với đặc trưng bởi các biểu hiện suy giảm các lĩnh vực nhận thức như: trí nhớ, định hướng, chú ý, ngôn ngữ, tri giác, suy luận, phán đoán, điều hành, khả năng thực hiện các nhiệm vụ liên tục,... Sa sút trí tuệ có thể gặp trong nhiều bệnh khác nhau trong đó phổ biến nhất là bệnh Alzheimer, chiếm 60-80% tổng số các bệnh nhân sa sút trí tuệ.
Theo bác sĩ Loan, sa sút trí tuệ diễn biến qua 5 giai đoạn:
Giai đoạn 1 là không suy giảm. Trong giai đoạn này, bệnh nhân không thể phát hiện được và không có vấn đề về trí nhớ hoặc các triệu chứng sa sút trí tuệ khác.
Giai đoạn 2 là suy giảm rất nhẹ. Bệnh có thể nhận thấy những vấn đề nhỏ về trí nhớ hoặc mất đồ đạc xung quanh nhà. Bệnh nhân vẫn sẽ làm tốt các bài kiểm tra trí nhớ và bệnh nhân khó có thể được phát hiện bởi những người thân hoặc bác sĩ đa khoa.
Giai đoạn 3 là suy giảm nhẹ. Những người ở giai đoạn 3 sẽ gặp khó khăn trong nhiều lĩnh vực bao gồm: Tìm từ đúng trong các cuộc hội thoại; tổ chức và lập kế hoạch; nhớ tên người quen mới. Những người mắc bệnh Alzheimer giai đoạn 3 cũng có thể thường xuyên mất tài sản cá nhân, bao gồm cả những vật có giá trị.
Giai đoạn 4 là suy giảm vừa phải. Các triệu chứng rõ ràng của bệnh: Gặp khó khăn với số học đơn giản; không nhớ lại những gì họ đã ăn vào bữa sáng; không có khả năng quản lý tài chính và thanh toán hóa đơn; có thể quên chi tiết về quá khứ cuộc sống...
Giai đoạn 5 là suy giảm vừa, nghiêm trọng. Bệnh nhân bắt đầu cần giúp đỡ trong nhiều hoạt động hàng ngày; khó mặc quần áo phù hợp; không có khả năng nhớ lại các chi tiết đơn giản như số điện thoại của chính họ; nhầm lẫn đáng kể...
Theo một nghiên cứu của Bệnh viện Lão khoa Trung ương, 4,6% người cao tuổi tại cộng đồng bị sa sút trí tuệ. Tỷ lệ mắc bệnh nhanh theo độ tuổi, cứ sau mỗi năm tăng gần gấp đôi. Tuy nhiên nhận thức của cộng đồng về căn bệnh này còn nhiều hạn chế, đa phần coi đây là biểu hiện không thể tránh khỏi của tuổi già. Người bệnh không được điều trị và theo dõi đúng đắn, thậm chí bị kỳ thị khiến tình trạng càng trầm trọng.
Bên cạnh sử dụng thuốc để điều trị rối loạn hành vi tâm thần, người bệnh cần chăm sóc đúng cách, tập luyện chức năng nhận thức để khôi phục và nâng cao chất lượng sống. Ngoài ra, bệnh nhân cũng phải chú ý điều trị tốt các bệnh phối hợp như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, Parkinson... Tình trạng sa sút trí tuệ có thể được cải thiện nếu phát hiện sớm và can thiệp đúng cách.