40 tuổi mới phát hiện bệnh tim bẩm sinh
TP HCMChị Mẫn, 40 tuổi, cảm thấy mệt mỏi song nghỉ ngơi thì hết, đi khám bác sĩ chẩn đoán thông liên nhĩ - bệnh tim có từ khi là bào thai.
Ngày 3/1, BS.CKII Vũ Năng Phúc, Trưởng khoa Tim bẩm sinh, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết chị Mẫn bị thông liên nhĩ lỗ thứ hai đường kính 23 mm, giãn buồng tim phải kèm tăng áp phổi nhẹ, hở van động mạch phổi nhẹ. Kết quả siêu âm tim qua thực quản cho thấy kích thước thực của lỗ thông liên nhĩ là 26x19 mm, giãn lớn buồng tim phải.
Bác sĩ Phúc giải thích thông liên nhĩ xảy ra khi có sự xuất hiện của một lỗ thủng giữa hai buồng tâm nhĩ, có thể nằm ở nhiều vị trí khác nhau ở vách liên nhĩ. Trong số 4 loại thông liên nhĩ, phổ biến nhất là thông liên nhĩ lỗ thứ hai (chiếm khoảng 70%) do khiếm khuyết trong quá trình phân chia tâm nhĩ của tim khi còn trong bào thai, song người bệnh không có triệu chứng, vẫn khỏe mạnh. Đây là nguyên nhân khiến bệnh không được phát hiện sớm mà phát triển đến tuổi trưởng thành. Nhiều người 50, 60 tuổi mới được chẩn đoán thông liên nhĩ.
Chị Mẫn không có triệu chứng điển hình, thỉnh thoảng mệt thoáng qua. "Nếu chị Mẫn đi khám muộn hơn, khả năng buồng tim phải diễn tiến giãn lớn làm tăng nguy cơ loạn nhịp, suy tim", bác sĩ Phúc nói. Siêu âm tim qua thực quản là phương pháp siêu âm tim sử dụng sóng siêu âm để tạo ra hình ảnh chi tiết về tim. Tại bệnh viện Tâm Anh, phương pháp này được thực hiện dưới gây mê tĩnh mạch, giảm tối đa các biến chứng.
Sau khi hội chẩn, bác sĩ quyết định đóng lỗ thông liên nhĩ cho chị Mẫn để ngăn ngừa biến chứng. Trước ngày thủ thuật, êkíp thông tim đánh giá lại toàn diện hình ảnh siêu âm tim qua thành ngực, thực quản. Nhờ đó, xác định đúng kích thước và vị trí lỗ thông để chọn dụng cụ bít kích thước 36 mm, một trong những dụng cụ có kích thước lớn để đóng thông liên nhĩ.
Đa số ca tương tự cần có sự hỗ trợ của siêu âm qua thực quản, bệnh nhân phải gây mê toàn thân. Tuy nhiên, với chị Mẫn, êkíp đánh giá có thể thông liên nhĩ mà không cần đến sự hỗ trợ của siêu âm qua thực quản (do đã thực hiện trước đó). Vì thế, bác sĩ chỉ cần gây tê tại chỗ cho chị.
Bác sĩ Phúc cùng êkíp luồn dây dẫn từ tĩnh mạch đùi đến nhĩ phải. Sau đó, bác sĩ đưa dụng cụ bít thông liên nhĩ vào vị trí lỗ thông trong tim qua hệ thống dẫn đường. Sau 25 phút, toàn bộ hệ thống dẫn đường được rút ra ngoài sau khi chắc chắn dụng cụ bám đúng vị trí, không chèn áp cơ quan lân cận dưới sự kiểm tra của soi dưới đèn huỳnh quang, siêu âm tim qua thành ngực. Chị Mẫn khỏe mạnh sau can thiệp, xuất viện ngay hôm sau.
Bác sĩ Phúc cho biết thông liên nhĩ chiếm 6-10% bệnh lý tim bẩm sinh. Hầu hết thông liên nhĩ lỗ thứ hai kích thước dưới 3 mm đều có khả năng tự đóng, nhiều lỗ thông 3-8 mm có thể đóng hoàn toàn trước khi trẻ ba tuổi. Lỗ thông liên nhĩ có kích thước từ trung bình đến lớn (trên 8 mm) được điều trị bằng cách bít lỗ thông để ngăn ngừa biến chứng trong tương lai.
Sau can thiệp bít lỗ thông liên nhĩ, bệnh nhân thường cần uống thuốc trong 3-6 tháng, nghỉ ngơi và tránh các hoạt động thể chất gắng sức nặng trong ít nhất một tháng, phòng ngừa bệnh viêm nội tâm mạc nhiễm trùng trong 6 tháng. Người bệnh ăn uống lành mạnh, giàu dinh dưỡng, uống đủ nước để hỗ trợ quá trình hồi phục, tái khám định kỳ để bác sĩ theo dõi tình trạng hồi phục.