2 bệnh nhân suy đa tạng vì sốt mò, dễ chết người từ nốt đốt nhỏ
(Dân trí) - Hai bệnh nhân được đưa đến viện sau nhiều ngày sốt, bị tổn thương suy đa cơ quan. Bác sĩ lưu ý, khi phát hiện nốt loét trên cơ thể, cần đi khám vì nguy cơ ấu bị ấu trùng mò đốt, có thể gây tử vong.
Suy đa tạng từ một vết ấu trùng mò đốt
Ngày 22/10, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thông tin, bệnh viện vừa điều trị thành công 2 trường hợp sốt mò diễn biến nặng, nguy cơ tử vong.
Hai bệnh nhân được bệnh viện tuyến dưới chuyển đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 sau nhiều ngày sốt cao, điều trị không hiệu quả vì không tìm ra căn nguyên gây bệnh. Cả hai bệnh nhân nhanh chóng được chuyển vào khoa Hồi sức truyền nhiễm vì tình trạng suy đa tạng (suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy gan).
Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Xuân Lâm cho biết, các bác sĩ đã khám và phát hiện vết loét do sốt mò điển hình. Sau khi chẩn đoán sốt mò, bệnh nhân được điều trị kháng sinh đặc hiệu và điều trị hỗ trợ suy tạng, tiến triển tốt sau 2 tuần điều trị.
Trước đó, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng điều trị cho bệnh nhân 83 tuổi, sốt cao kéo dài 10 ngày trước khi vào viện. Bệnh nhân sốt cao triền miên, có cơn rét run kèm theo đau đầu và ho thúng thắng.
Dù được điều trị tại bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh với chẩn đoán viêm phổi-phế quản, suy tim nhưng không đỡ, ngày càng nặng hơn.
Khi được chuyển đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, bệnh nhân sốt cao, ý thức lơ mơ, kích thích vật vã, huyết áp tụt thấp, khó thở và thiểu niệu.
Khi thăm khám, bác sĩ tìm ra một vết loét điển hình do ấu trùng mò đốt ở vùng bìu với kích thước 1x1,5 cm, hình bầu dục, có vảy thâm. Kết quả xét nghiệm sau đó cho thấy bệnh nhân được chẩn đoán xác định bệnh sốt mò biến chứng suy đa tạng (hô hấp, tuần hoàn, gan, thận, rối loạn đông máu).
Hay như trường hợp nam bệnh nhân sinh năm 1971, nhập viện trong tình trạng sốt nóng, khó thở, mệt nhiều, đau đầu, huyết áp tụt 80/50mmHg, đau ngực. Trước thời điểm nhập viện, bệnh nhân sốt cao liên tục 7 ngày, nhiều cơn rét run, đau đầu, mệt, chán ăn và có vết loét vảy đen 2x2cm ở vùng liên mấu chuyển bên phải, có rỉ ít dịch, ấn tức nhẹ.
Kết quả chẩn đoán xác định bệnh nhân bị sốt mò, điều trị tích cực bằng kháng sinh đặc hiệu, tình trạng bệnh nhân nhanh chóng cải thiện.
Có thể chết người từ nốt đốt nhỏ
Bệnh sốt mò là một bệnh do tác nhân Rickettsia tsutsugamushi, truyền sang người khi bị ấu trùng mò đốt.
Khi bị ấu trùng mò đốt, bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng đặc trưng là sốt, sưng đau hạch (thường thấy ở hạch khu vực quanh vết mò đốt), phát ban ngoài da. Bệnh có thể gây biến chứng viêm cơ tim, sốc nhiễm khuẩn, tổn thương đa tạng dẫn đến tử vong.
Bệnh có thể được điều trị và phục hồi tốt nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tuy nhiên, bệnh lại dễ chẩn đoán nhầm, bỏ sót, do vết loét ấu trùng mò đốt thường kín đáo.
Về bệnh sốt mò, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận điều trị khoảng 150 trường hợp bị sốt do các loại côn trùng như mò, ve đốt.
Phần lớn các bệnh nhân khi nhập viện đều không biết, hoặc chủ quan dù thấy nốt côn trùng đốt. Chỉ đến khi sốt kéo dài, người mệt mỏi, vàng da… bệnh nhân mới tới viện khám và nhiều người ngỡ ngàng khi biết chỉ vì một vết côn trùng đốt tưởng như vô hại lại gây những biểu hiện trên.
Thực tế, sốt do ấu trùng mò đốt có thể gây những bệnh cảnh nặng như tình trạng nhiễm trùng huyết và suy đa phủ tạng. Các bác sĩ cảnh báo, có nhiều trường hợp suy đa phủ tạng thậm chí tử vong khi bệnh nhân không phát hiện và điều trị kịp thời.
Vì thế, tnếu thấy bỗng dưng sốt cao kéo dài, dai dẳng người dân cần nghĩ đến nguy cơ côn trùng đốt để đi khám. Nhất là những người sống, hoặc có đi đến những vùng rừng, núi nhiều cây cối rậm rạp, đây là những nơi có ấu trùng mò trú ẩn.
Người bệnh cũng nên tự kiểm tra trên cơ thể, nếu thấy các vết đốt màu đen trên nền da màu hồng bị viêm tấy kèm sốt kéo dài thì cần đến khám ngay tại các cơ sở y tế, tránh để diễn biến kéo dài có thể gây vàng da, tổn thương gan, thậm chí có biến chứng nặng dẫn đến nhiễm trùng huyết, suy phủ tạng… đe dọa tính mạng.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Lâm khuyến cáo, nếu bắt buộc phải sống, làm việc trong điều kiện nguy cơ cao như vậy cần các biện pháp bảo vệ cơ thể tránh bị ấu trùng mò đốt, như mặc đồ che kín cơ thể, tẩm hóa chất diệt côn trùng lên quần áo chăn màn, xịt thuốc vào không gian hoặc bôi thuốc xua đuổi côn trùng lên da.