10 nguyên nhân có thể gây đau tinh hoàn một bên
Viêm tinh hoàn, thoát vị bẹn, giãn tĩnh mạch thừng tinh, sỏi thận, hội chứng đau sau thắt ống dẫn tinh hoặc ung thư có thể gây đau tinh hoàn một bên.
Theo TS.BS.CK2 Trà Anh Duy, Trung tâm Sức khỏe Nam giới Men's Health, tinh hoàn là bộ phận sản xuất tinh trùng và lượng lớn testosterone, đảm bảo sức khỏe thể chất lẫn khả năng tình dục và sinh sản cho người đàn ông. Vì vậy, bất kỳ biểu hiện đau tinh hoàn một bên nào cũng phải thận trọng theo dõi, điều trị nếu cần thiết.
Cơn đau một bên tinh hoàn có thể cấp tính (đột ngột, nặng và ngắn) hoặc mạn tính (âm ỉ và kéo dài, nhất là sau khi vận động). Nguồn gốc của cơn đau tinh hoàn có thể do một chấn thương cơ học hoặc tai nạn. Đặc biệt, những người mặc quần áo quá bó thường xuyên hoặc đạp xe đường dài có nguy cơ cao đau vì tinh hoàn liên tục bị chèn ép. Song nếu không phải, đau tinh hoàn một bên có thể đến từ những nguyên nhân dưới đây:
Viêm tinh hoàn
Viêm với dấu hiệu sưng, đau và nóng ở một bên tinh hoàn. Tác nhân gây bệnh có thể là vi khuẩn hoặc virus (thông thường hay do bệnh tình dục).
Ở trẻ em, quai bị cũng là một nguyên nhân của viêm tinh hoàn. Lúc này sưng đau tinh hoàn một bên xảy ra khoảng 4-6 ngày sau khi nhiễm virus.
Viêm mào tinh hoàn
Mào tinh hoàn gồm tập hợp các ống mỏng đưa tinh trùng từ tinh hoàn đến ống dẫn tinh và đi ra ngoài cơ thể. Đây cũng là bộ phận rất dễ bị viêm nhiễm gây ra đau đớn. Viêm xảy ra ở một hoặc cả hai bên, khiến bệnh nhân đau đớn, bìu sưng và nóng mỗi khi chạm vào. Viêm mào tinh hoàn cấp tính kéo dài trong vài ngày đến vài tuần, trên 6 tuần được coi là mạn tính.
Nang mào tinh
Xảy ra khi có một túi đầy chất lỏng hình thành ở trong mào tinh, gần tinh hoàn. Các nang thường lành tính và ít khi gây đau. Đôi khi nang tinh trùng đủ lớn gây đau tinh hoàn một bên.
Thoát vị bẹn
Trong thai kỳ, tinh hoàn nằm ở ổ bụng thai nhi sau đó mới di chuyển xuống bìu kéo theo một phần màng bụng. Kết quả giữa bìu và bụng được nối với nhau bằng một ống. Thông thường ống sẽ xơ hóa thành sợi nhỏ khi bé được 1 tuổi. Nếu ống này không thoái hóa, các cơ quan trong ổ bụng mà chủ yếu là ruột có thể lọt xuống bìu và gây đau đớn.
Phần lớn thoát vị bẹn không nguy hiểm, nhưng cũng có trường hợp phải phẫu thuật gấp. Vì vậy nếu nghi ngờ cần thăm khám ngay.
Tràn dịch tinh mạc
Đây là tình trạng xung quanh tinh hoàn được bao phủ bởi lớp chất lỏng. Tràn dịch tinh mạc khá phổ biến với biểu hiện bìu to, bọng nước gây đau và khó khăn khi sinh hoạt hoặc lao động.
Giãn tĩnh mạch thừng tinh
Hệ thống tĩnh mạch thừng tinh làm nhiệm vụ treo tinh hoàn lơ lửng trong bìu và vận chuyển máu từ tinh hoàn về tuần hoàn chung để trao đổi chất. Khi các mạch máu này bị giãn, máu ứ đọng lại khiến tinh hoàn đau đớn âm ỉ. Cơn đau nặng hơn lúc vận động, đứng lâu hoặc ngồi lâu và sẽ giảm bớt khi nằm xuống.
Giãn tĩnh mạch tinh hoàn nên được phát hiện cũng như điều trị sớm, vì để lâu dài có thể ảnh hưởng tới khả năng sinh sản.
Xoắn dây tinh (xoắn tinh hoàn)
Đây là nguyên nhân đau tinh hoàn một bên nghiêm trọng nhất. Tinh hoàn tự xoắn quanh trục khiến mạch máu nuôi bị tắc nghẽn, mất đi nguồn máu nuôi dưỡng gây đau đớn dữ dội. Bệnh nhân phải được cấp cứu ngay để giữ tinh hoàn. Xoắn tinh hoàn là trường hợp gây đau một bên tinh hoàn cấp tính.
Sỏi thận
Sỏi thận gián tiếp tạo ra cơn đau tinh hoàn một bên. Những viên sỏi mắc ở trên đường tiết niệu gây đau nhói lưng và có thể lan xuống bẹn bìu, đầu dương vật. Sỏi nhỏ tự trôi ra ngoài theo nước tiểu, còn sỏi lớn cần được nội soi tán nhỏ hoặc mổ lấy sỏi.
Hội chứng đau sau thắt ống dẫn tinh
Sau thắt ống dẫn tinh để triệt sản, một số người bị đau tinh hoàn. Cơn đau này có thể do ống dẫn tinh hoặc mào tinh phải chịu áp lực cao bởi tinh trùng được sản xuất mà không có đường thoát ra ngoài.
Ung thư tinh hoàn
Ngoài đau tinh hoàn một bên âm ỉ, phái mạnh còn có triệu chứng sưng tinh hoàn, đau vùng bụng dưới. Chẩn đoán sớm khi ung thư chưa di căn, cơ hội điều trị khỏi cao hơn.
Bác sĩ Duy khuyến cáo khi cơn đau đột ngột sau đó âm ỉ, đau tăng nặng theo thời gian hoặc đau kèm triệu chứng khác như sưng, bầm tím nặng, bìu đỏ hoặc căng bóng, sốt, buồn nôn, nôn, rối loạn tiểu tiện (mắc tiểu thường xuyên, nóng rát khi đi tiểu, tiểu lẫn mủ hoặc máu), cần gặp bác sĩ ngay.
Bên cạnh đó, bạn có thể áp dụng một số mẹo giúp cơn đau thuyên giảm, như uống thuốc giảm đau không kê đơn, tắm bằng nước ấm, chườm đá vào lên bìu, đặt một chiếc khăn cuộn lại dưới bìu khi nằm để nâng đỡ tinh hoàn, hạn chế vận động mạnh.